Sự thật về cỏ ngọt và các tác hại của cỏ ngọt
Cỏ ngọt là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Thậm chí, có một giai đoạn, cỏ ngọt còn trở thành “cơn sốt” khi trên mạng và dưới mạng đều nhắc đến cái tên này.
Không chỉ thế, các loại trà thảo dược còn cho thêm cỏ ngọt vào như một “mốt” để trà pha ra có vị ngọt sẵn (mà không làm tăng đường huyết). Vì vậy, cỏ ngọt ngày càng trở nên nổi tiếng.
Tuy nhiên, bạn có biết, cỏ ngọt có tác dụng gì và khi dùng cần kiêng kỵ gì không?
Vâng, trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
Các tác dụng nổi trội của cỏ ngọt
Nhắc đến cỏ ngọt là nhắc đến loại thảo dược giúp:
- Tạo vị ngọt mà không làm tăng đường huyết.
- Ngọt hơn đường cát nhiều lần và không gây béo.
Mặc dù là thảo dược tuyệt vời với bệnh nhân tiểu đường và béo phì nhưng cỏ ngọt cũng có một số kiêng kỵ khi dùng. Nếu dùng sai cách, bạn sẽ dễ bị các tác dụng phụ.
Tác hại và tác dụng phụ của cỏ ngọt
Dân gian có câu: ngọt quá hại tỳ. Vâng, trường hợp này đúng với cỏ ngọt và cả các thức ăn có vị ngọt khác.
Được biết, dùng nhiều cỏ ngọt (quá ngọt) có thể làm giảm lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường và những người thèm ngọt, vì chủ quan rằng đường cỏ ngọt không gây hại nên đã ăn quá nhiều.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có chiết xuất cỏ ngọt cũng có thể chứa rượu đường, vì vậy, những người nhạy cảm với rượu đường cần chú ý xem trước thành phần của sản phẩm nhé!
Hơn nữa, cỏ ngọt cũng chưa được khẳng định về độ tương thích với các loại thuốc khác. Bản thân nó là một vị thuốc, vì vậy, bạn chỉ nên dùng riêng, không nên tự ý uống cùng thuốc tây hay các loại thuốc khác.
Với phụ nữ mang thai cũng như người bình thường, bạn cũng cần cân nhắc, chỉ dùng một lượng nhỏ, không nên dùng quá nhiều.
Kiêng kỵ: Cỏ ngọt kỵ với kim loại, vì vậy, khi pha trà cỏ ngọt, sắc thuốc hay pha nước uống có thành phần cỏ ngọt, bạn không nên dùng dụng cụ bằng kim loại (1).
Ngoài ra, với những người có tiền sử dị ứng với hoa cúc, hoa vạn thọ, cỏ phấn hương và cây cúc tần… thì cũng có thể bị dị ứng với cỏ ngọt.
Các tác dụng phụ của cỏ ngọt:
Cỏ ngọt còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Buồn nôn, đầy hơi, mệt mỏi, chóng mặt, đau cơ bắp (hoặc tê)…
- Nếu dùng quá nhiều cỏ ngọt sẽ gây tụt đường huyết, tụt huyết áp… Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường (hoặc cao huyết áp) đang dùng thuốc của bác sĩ thì cần cẩn trọng, hỏi ý kiến bác sĩ trước, xem nên kết hợp với liều lượng bao nhiêu mỗi ngày là an toàn (vì nếu đường huyết tụt bất chợt hoặc huyết áp tụt bất chợt thì sẽ rất nguy hiểm) (2).
Một số sự thật về cỏ ngọt
- Cỏ ngọt không thể giảm béo: Cỏ ngọt không sinh calo nên khi ăn thì sẽ không làm bạn béo thêm. Vì vậy, nó chỉ giúp bạn không béo thêm chứ không thể giúp bạn giảm béo.
- Cỏ ngọt chỉ hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường: Nhìn chung, nếu chỉ xem cỏ ngọt là chất tạo ngọt thì nó sẽ có nhiều ưu điểm hơn các loại đường khác. Tuy nhiên, nếu dùng cỏ ngọt để điều trị bệnh thì đó còn là một câu chuyện dài. Bạn biết đấy, cỏ ngọt không làm bạn béo thêm, không làm bạn tăng đường huyết thêm (so với việc ăn các loại đường khác). Tuy nhiên, nếu bạn bị tiểu đường mà chủ quan, dùng đường cỏ ngọt nhưng vẫn ăn nhiều tinh bột và đường thì bạn vẫn sẽ bị tăng đường huyết.
- Cỏ ngọt chỉ an toàn ở mức tương đối: Cỏ ngọt là thảo dược lành tính, tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng thì nó vẫn sẽ gây hại cơ thể.
- Cỏ ngọt không phải dùng dạng nào cũng tốt: Trên thực tế, có rất nhiều chất tạo ngọt trong cỏ ngọt, tuy nhiên, chỉ có rebaudioside A được FDA đánh giá là “nói chung là an toàn” (GRAS – generally recognized as safe). Tuy nhiên, chất này ở dạng tinh khiết rất khó chiết xuất, vì vậy, giá thành của nó rất cao. Ở châu Âu thì không chỉ rebaudioside A mà các loại steviol glycosides của cỏ ngọt đều được chấp nhận.
Liều dùng cỏ ngọt là bao nhiêu?
Theo WHO và EFSA thì liều dùng steviol glycosides từ cỏ ngọt là 4 mg/kg cân nặng cơ thể. Vì vậy, một người nặng 60 kg có thể dùng 240 mg steviol glycosides mỗi ngày (3).
Nguồn tham khảo