Hạt diêm mạch không chứa gluten và những công dụng tuyệt vời
Với những người mắc hội chứng không dung nạp gluten thì họ sẽ không ăn được lúa mì, lúa mạch, yến mạch cũng như các sản phẩm có chứa gluten như bánh quy, khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh mì… Vì vậy, họ phải tìm những thực phẩm không chứa gluten (hoặc chứa ít) như rau xanh, trái cây, các loại đậu, trứng, thịt, bắp, hạt kê, gạo, kiều mạch, diêm mạch… (1).
Với hạt kiều mạch thì ở bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu rồi. Vì vậy, ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hạt diêm mạch nhé!
Hạt diêm mạch là gì?
Hạt diêm mạch (quinoa) là loại hạt được lấy từ cây diêm mạch (có tên khoa học là Chenopodium quinoa). Người ta thường xem nó như ngũ cốc nhưng nó lại không phải ngũ cốc (vì không thuộc họ Lúa).
Nhìn chung, hạt này tương đối nhỏ (như ý dĩ), có ba loại thường thấy là màu trắng, đen và đỏ (màu trắng là phổ biến nhất, thường thấy bán trên các trang mạng ở Việt Nam). Sau khi thu hoạch, người ta sẽ tách vỏ và phơi khô.
Cách dùng hạt diêm mạch
Nhìn chung, hạt diêm mạch thường được dùng như các loại ngũ cốc thông thường.
Bạn có thể lấy hạt diêm mạch, rửa sạch rồi nấu như gạo để ăn cùng bữa cơm. Nhìn chung, so về độ thơm ngon thì hạt này không ngon lắm (nó cũng như các loại hạt ngũ cốc khác). Vì vậy, thường thì người ta chỉ dùng để bổ sung dinh dưỡng, để đổi món cho bữa ăn phong phú.
Ngoài cách nấu như cơm thì bạn cũng có thể rửa sạch, nấu chín rồi ăn cùng trái cây (như một món kết hợp) hoặc xào với rau củ quả hoặc thịt.
Hạt diêm mạch có tác dụng gì?
Hạt diêm mạch chứa nhiều dưỡng chất tương tự như nhiều loại ngũ cốc khác, trong đó có thể kể đến chất đạm, Man gan, Ma giê, Sắt, Kẽm, Ka li, vitamin B…
Đặc biệt, khi nói đến loại hạt này, nó còn có nhiều ưu điểm đáng nhắc đến như:
- Cung cấp nhiều chất xơ hơn nhiều loại ngũ cốc thông thường.
- Hỗ trợ giảm cân nhờ tạo cảm giác no lâu.
- Không chứa gluten (nên hợp với những người mắc hội chứng không dung nạp gluten).
- Cung cấp nhiều chất đạm thực vật (nên rất hợp với người ăn chay).
- Chứa một số chất có tác dụng chống oxy hóa, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể (2).
- Giúp kháng viêm thông qua cơ chế duy trì hoocmoon kháng viêm tự nhiên có trong cơ thể chúng ta.
- Chỉ số đường huyết thấp (ít làm tăng đường huyết sau ăn).
- Giúp bổ da, giảm mụn, giảm viêm sưng do mụn và giúp da ít bị sẫm màu.
- Bổ sung vitamin A giúp giảm nếp nhăn và làm đẹp da.
- Bổ sung chất sắt cho những người thiếu máu do thiếu chất sắt (3).
Lưu ý khi dùng
- Không nên ăn quá nhiều.
- Trong diêm mạch có chứa một số chất làm giảm sự hấp thu. Vì vậy, bạn cần ngâm rửa sạch, nấu chín rồi mới ăn (hiện nay, trên mạng có một số người nói rằng có thể ăn sống diêm mạch, tuy nhiên, đây là cách ăn không an toàn).
- Đối tượng cần tránh: Người bị sỏi thận không nên ăn (4).
Diêm mạch bao nhiêu calo?
Theo kết quả nghiên cứu thì 100 g hạt diêm mạch đã nấu cung cấp khoảng 120 calo. Đây là mức năng lượng tương đối. Vì vậy, bạn không cần lo ngại về khả năng gây tăng cân của nó.
Không chỉ thế, một số thí nghiệm trên cơ thể động vật còn cho thấy ăn hạt diêm mạch giúp cải thiện quá trình trao đổi chất. Điều này rất có ý nghĩa đối với những người mắc bệnh về chuyển hóa.
Cách bảo quản diêm mạch
Hạt diêm mạch có thể bảo quản đến 3 năm nếu bạn để ở nơi thoáng mát, khô ráo (không nên để ngoài nắng hoặc chỗ có nhiệt độ cao).
Với hạt diêm mạch đã nấu chín, nếu không ăn hết, bạn hãy để vào ngăn mát tủ lạnh (có thể bảo quản trong 1 tuần). Nếu để ngăn đông đá, bạn có thể bảo quản được 1 năm.
Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là ăn ngay sau khi chế biến vì như thế thì lượng dinh dưỡng được hấp thụ sẽ cao hơn (5).
Bạn đã ăn diêm mạch bao giờ chưa? Nếu chưa thì hãy thử nhé! Biết đâu, bạn lại thích nó thì sao!
Nguồn tham khảo