Đan sâm và các món ăn, thức uống giúp giảm cân, giảm đau bụng kinh

Rate this post

Đan sâm không chỉ có mặt trong bài thuốc cổ truyền điều trị chóng mặt (do rối loạn tiền đình) mà còn có mặt trong nhiều bài thuốc cổ truyền, nhiều món ăn dưỡng nhan, giảm béo.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu món cháo đan sâm và trà giảm cân từ loại dược thảo này cũng như một số điều cần lưu ý khi dùng, bạn nhé!

Các món ăn, thức uống bổ ích từ đan sâm

Nếu bạn bị đau bụng kinh và béo phì thì có thể tham khảo hai món ăn, thức uống sau đây nhé!

1. Cháo đan sâm – đương quy – hoa hồng

  • Thành phần: 15 g đan sâm, 10 g cánh hoa hồng, 100 g gạo nếp và 10 g đương quy.
  • Cách nấu: Lấy đan sâm, đương quy và các cánh hoa hồng nấu lên cho chín nở rồi chắt lấy nước (bỏ phần bã). Nước này bạn dùng nấu nếp cho thành cháo.
  • Cách dùng và công dụng: Cháo này bạn ăn vào buổi sáng (thay cho bữa ăn sáng), có công dụng hoạt huyết, điều kinh, giúp giảm đau bụng kinh và dưỡng huyết. Vì vậy, những người da mặt xanh xao, nhợt nhạt thì nên dùng thêm cháo này (1).

Trong bài thuốc này có đương quy ngọt thơm, đắng nhẹ, giúp dưỡng huyết và đan sâm thì cũng chỉ chát đắng nhẹ nên rất dễ dùng.

Đan sâm và các món ăn, thức uống giúp giảm cân, giảm đau bụng kinh

Đương quy thái lát

2. Trà giảm cân

  • Thành phần: 20 g đan sâm, 15 g thảo quyết minh, 15 g táo mèo, 10 g kỷ tử và 15 g hà thủ ô.
  • Cách nấu: Lấy các vị trên nấu lấy nước uống (chia làm 2 lần uống trong ngày).
  • Công dụng: Trà này có công dụng chủ yếu là giảm béo nên thích hợp với những người mắc bệnh béo phì. Ngoài ra, nó còn có một số công dụng phụ nhờ từng thành phần như: táo mèo là vị thuốc giúp giảm béo nổi tiếng, đan sâm giúp máu huyết điều hòa và mịn da, thảo quyết minh giúp thanh nhiệt, kỷ tử bổ dưỡng và hà thủ ô giúp dưỡng nhan, nhuận da (1).

Các bài thuốc ứng dụng đan sâm

Đan sâm (còn được gọi là huyết căn, đơn sâm, huyết sâm, xích sâm) là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền và thường được dùng trong các toa thuốc điều trị đau bụng kinh, bế kinh, mất kinh.

Đan sâm và các món ăn, thức uống giúp giảm cân, giảm đau bụng kinh

Đơn sâm

Bên cạnh đó, vị thuốc này còn được dùng trong các bài thuốc đặc biệt khác như:

  • Điều trị chứng kinh giản ở trẻ nhỏ (có co quắp và đổ mồ hôi): 20 g đan sâm, 40 g mỡ lợn và 20 g lôi hoàn; tất cả đem nấu thành cao rồi vớt bỏ bã, lọc lấy nước để dùng ngoài da. Cách dùng: lấy cao này bôi thoa ngoài da của trẻ nhỏ, mỗi ngày thoa 3 lần.
  • Giúp trục thai chết lưu: dùng đan sâm, tế tân, đương quy và ngưu tất (liều lượng bằng nhau theo chỉ dẫn của thầy thuốc), cùng nấu lấy nước uống.
  • Dùng cho sản phụ sinh xong máu hôi không ra hết: lấy đan sâm tán thành bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 4 g (bài thuốc này cũng có tác dụng điều kinh) (2).

Lưu ý khi dùng đan sâm

Có một số lưu ý khi dùng vị thuốc này, đó là:

  • Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai không được dùng vì thuốc có tác dụng hoạt huyết, trục huyết ứ nên có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, những người không bị tụ máu, không bị ứ trệ cũng không nên dùng (vì thuốc chuyên về hoạt huyết hóa tụ).
  • Tác dụng phụ: Đan sâm có vị hơi chát và theo kinh nghiệm dân gian thì dùng nhiều sẽ gây táo bón. Vì vậy, những người đang bị táo bón không nên dùng (người từng bị táo bón cũng không nên dùng nhiều, nếu không sẽ bị tái phát) và sau khi ngưng thuốc thì sẽ hết táo bón.
  • Trong sử dụng: Nếu dùng điều trị tắc kinh, phụ nữ ngưng trệ sau sinh, lở loét sưng phù hoặc đau tim, đau bụng thì nên dùng tươi sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu dùng để giảm đau nhức gân cốt và điều kinh thì nên kết hợp với rượu theo chỉ dẫn của thầy thuốc (1) (2).

Ngày nay, đan sâm được dùng làm thành phần bào chế nhiều loại thuốc Đông y giúp điều trị đau bụng kinh, bế kinh, hoạt huyết, điều trị viêm gan, …

Trong tương lai, vị thuốc này sẽ còn được ứng dụng nhiều vì giá cả bình dân cũng như những tiềm năng và giá trị y học của nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button