Củ mài (hoài sơn) nấu món gì để dưỡng khí huyết và dưỡng da bóng mịn?
Vì vậy, nếu dùng củ mài làm món ăn thì bạn nên chọn loại tốt hoặc chọn mua từ nơi uy tín, chất lượng (hoặc mua củ tươi) để món ăn được đầy đủ hương vị hơn nhé!
Củ mài có tác dụng gì?
Điều được chú ý ở củ mài không chỉ là sự thơm ngon mà còn là công dụng bồi dưỡng và làm đẹp của nó.
Được biết, trong củ mài có chứa chất nhày, chất bột, vitamin C, choline, glycoprotein và nhiều hoạt chất khác.
Trong y học cổ truyền, củ mài được biết đến là vị thuốc giúp dưỡng âm, cố tinh, ích khí, bổ thận, bổ tỳ và đặc biệt là dưỡng nhan sắc (với những người muốn bổ âm sinh tân thì nên dùng củ tươi; với những người muốn kiện tỳ thì sao lên rồi mới dùng) (1).
Liều lượng: nấu uống từ 10 – 30 g mỗi ngày.
Cách nấu cháo củ mài và các vị thuốc Bắc
Có 2 món cháo củ mài vừa tốt cho sức khỏe, vừa tốt cho da dẻ, đó là:
1. Cháo củ mài – táo đỏ – đậu phộng
Đây là món cháo bình dân, dễ nấu vì bạn có thể dễ dàng mua các nguyên liệu ở chợ. Được biết, đây là món cháo tốt cho gan, thận và mang lại nhiều công dụng như: làm mạnh dạ dày, dưỡng nuôi khí huyết và giúp da dẻ hồng hào.
Vì vậy, những người có sắc mặt tiều tụy nên thường xuyên ăn món cháo này để cải thiện.
- Thành phần bao gồm: 30 g củ mài, 30 g đường đỏ, 20 g đậu đỏ, 30 g đậu phộng, 10 trái táo đỏ và 50 g gạo kê (hạt kê).
- Cách nấu như sau: Trước tiên, bạn lấy đậu phộng, đậu đỏ, gạo kê và củ mài, cùng cho vào nồi, nấu cho chín rồi để táo đỏ và đường đỏ vào, tắt bếp.
- Cách dùng: cháo này bạn chia ra để ăn 2 – 3 lần trong ngày (1).
2. Cháo củ mài – nhân sâm – táo – thịt
Mặc dù có thành phần nhân sâm nhưng món cháo này lại không quá tốn kém vì mỗi lần nấu, bạn chỉ dùng 10 g nhân sâm.
Theo kinh nghiệm dân gian, món cháo này giúp dưỡng nhan sắc cho những người có sắc mặt vàng khô và giúp bồi bổ cho cơ thể khỏe mạnh.
- Thành phần món cháo bao gồm: 50 g củ mài, 50 g thịt heo nạc, 10 trái táo đỏ, 10 g nhân sâm và 100 g gạo tẻ.
- Cách nấu như sau: Lấy củ mài, gạo, táo đỏ và thịt heo (cắt miếng mỏng), tất cả đem nấu thành cháo. Với nhân sâm, bạn nấu riêng rồi chắt lấy nước đổ vào nồi cháo (sau khi cháo đã chín).
- Cách dùng: cháo này bạn nên ăn vào buổi sáng sớm và ăn mỗi ngày một lần (1).
Món ăn đặc biệt từ củ mài – sữa bò – hạnh nhân
Đây là món ăn khá đặc biệt và kích thích sự tò mò của hội chị em thích ăn đồ béo. Nếu có dịp, bạn hãy làm thử nhé!
- Thành phần chế biến bao gồm: 50 g củ mài, 50 g hạnh nhân và 3 lít sữa bò.
- Cách làm: Trước tiên, bạn lấy hạnh nhân nghiền nát rồi cho vào sữa bò, khuấy cho đều. Tiếp theo, bạn lấy củ mài cắt nhỏ rồi để vào, trộn đều và đổ hết vào một cái tô sành, đậy kín lại, đem đi hấp trong 1 tiếng cho chín.
- Cách dùng: Món ăn này bạn ăn vào lúc đói, có tác dụng cải thiện làn da, giúp da bóng mịn (1).
Ở nước ta, dây khoai mài (củ mài) mọc hoang ở nhiều tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc. Vào mùa, người dân đào lấy củ rồi bán củ tươi hoặc phơi khô làm bột củ mài.
Được biết, trong những năm gần đây, khoai mài đã được chú ý gieo trồng nhiều hơn vì đây là loài cây mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, để được lợi nhuận như ý, người trồng cũng phải thực hiện đúng kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc vì củ khoai này hay bị sâu đục (vì có vị ngọt) (2).