Công dụng làm thuốc của cây cần thăng
Cây cần thăng có lẽ không quá xa lại với những người khoái chơi cây cảnh. Với ý nghĩa thiện lành rằng “cần cù sẽ được thăng tiến”, loài cây này đã được mọi người ưu ái đặt nơi làm việc hay nơi công sở như một lời nhắc nhở trong công việc.
Nhà tôi cũng có một cây cần thăng, tôi cũng không biết nó có từ bao giờ, chỉ nghe người lớn nói đó là do ông tôi mua để làm cảnh. Tôi có khá nhiều kỹ niệm bên cây cần thăng, rất đơn giản và bình dị thôi nhưng đó cũng là một phần trong chuỗi ngày tuổi thơ mà tôi nhớ mãi.
Phân biệt cây cần thăng và cây quách
Nhiều người thấy rằng cây cần thăng có một mùi hôi hơi nồng nhưng riêng với tôi thì tôi lại thích mùi hương đó. Nếu bạn từng thấy qua cây quách, có lẽ bạn sẽ nhầm giữa cây cần thăng và cây quách. Chúng cùng họ nên có nhiều điểm tương đồng.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy lá cần thăng tròn, mọng và bóng hơn lá quách. Khi còn non, cành cần thăng rất nhiều gai, nhưng khi già thì gai cũng dần tiêu biến bớt và mất đi. Quả cần thăng cũng nhỏ hơn quả quách rất nhiều.
Công dụng của cây cần thăng
Cây cần thăng khá lành tính và có thể sử dụng để làm gia vị làm tăng mùi hương hoặc làm thuốc.
Cách dùng cần thăng trị mắt đỏ, xót
Ngày trước, nhà tôi có máy suốt lúa nên vào mùa thu hoạch, cha tôi sẽ đi suốt lúa thuê. Có những hôm nắng nhiều, mồ hôi chảy vào mắt cộng thêm bụi rơm bay ngập trời, bay cả vào mắt khiến cho mắt cha tôi bị đỏ và rất xót. Những lúc như vậy, mẹ tôi đều bảo chị em tôi ra sân, hái ít lá cần thăng non cho cha tôi trị đau mắt.
Sau này, máy gặt đập liên hợp ra đời, cha tôi không làm máy suốt nữa nhưng lại mua máy hàn điện về để tự làm vật dụng này nọ. Có những ngày hàn nhiều, nhiệt và khói bụi hàn làm mắt cha tôi nóng, đỏ và đau. Lúc này, lá cần thăng non lại phát huy tác dụng của mình.
Cách dùng như sau: bạn hái một nắm lá cần thăng non, đem vào rửa thật sạch rồi để cho ráo nước. Khi lá đã ráo nước, bạn cho vào một cái tô inox hoặc cối gỗ giã cho thật nhuyễn. Khi lá được giã nhuyễn, nếu khô quá thì bạn cho 2 đến 3 thìa nước vào rồi trộn đều lên. Tiếp theo, bạn dùng bông gòn sạch (bông gòn y tế) để lên mắt sao cho kích thước miếng bông gòn phủ hết mắt. Sau đó, bạn dùng muỗng múc phần lá cần thăng đã chuẩn bị để lên trên phần bông gòn.
Lưu ý: Người bệnh cần chớp mắt thường xuyên để nước lá cần thăng chảy vào mắt, bạn đắp đến khi thấy phần bã khá khô ráo thì có thể ngưng. Mỗi ngày, bạn có thể đắp 1 đến 2 lần, tốt nhất là vào buổi chiều hoặc tối để mắt có thời gian nghỉ ngơi sau khi đắp nhé. Bạn có thể ngừng khi mắt bạn đã hết đau hoặc nóng. Thường thì sau 2 ngày đắp, cha mình sẽ hết bị đau mắt.
Dùng cây cần thăng khi bị côn trùng hoặc bò sát cắn
Vỏ cây cần thăng có màu trắng xám và khá sần sùi. Quả còn non sẽ có vị nhẫn đắng. Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ cây và quả cần thăng đều có thể làm dịu vết côn trùng đốt, khi kết hợp với một số loại cây khác có thể giúp giảm bớt hoặc trị khỏi các vết đốt bởi côn trùng hoặc một vài loài bò sát có độc.
Cách thực hiện như sau:
Làm dịu vết côn trùng đốt: bạn dùng vỏ cây và quả cần thăng, giã nhuyễn cùng nhau (nếu không ngay mùa quả thì chỉ dùng vỏ cây thôi cũng được), sau đó đắp cả bã (đối với những loại côn trùng lớn nhưng không có độc) hoặc chỉ chấm lấy phần nước rồi bôi (nếu vết cắn nhỏ của một số loại côn trùng bình thường như muỗi hoặc kiến). Như thế sẽ giúp làm dịu nhanh các vết côn trùng cắn.
Sơ cứu khi bị côn trùng, bò sát có độc cắn: Bạn lấy vỏ cây và quả cần thăng, kết hợp với vỏ cây lộc vừng, giã nhuyễn rồi đắp lên vết cắn.
Do côn trùng và bò sát có rất nhiều loại, môi trường sống của chúng cũng không giống nhau nên độc tố của chúng cũng khác nhau. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn sau khi đắp thuốc, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra lại, tránh trường hợp nọc độc quá mạnh không thể loại bỏ hết hoặc bị nhiễm trùng (một số loài côn trùng sống ở nơi khá bẩn nên nọc của chúng có thể gây nhiễm trùng).
Nguyễn Sen