Vì sao các món ăn điều trị bệnh lại thường dùng cá diếc (cá giếc)?

Rate this post
Vì sao các món ăn điều trị bệnh lại thường dùng cá diếc (cá giếc)?

Nếu có tìm hiểu về các món ăn dưỡng sinh và điều trị bệnh, ắt hẳn bạn sẽ bất ngờ vì thành phần của nó, nếu là cá thì thường sẽ là cá diếc.

Vậy, bạn có thắc mắc vì sao lại là cá diếc mà không phải cá chép, cá lóc, cá mè, cá trắm, cá rô,… mặc dù các loại này cũng có tác dụng điều trị bệnh không?

Nếu có thì bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé!

Cá diếc – vị thuốc Đông y

Bạn biết đấy, trong các loại cá đồng thì cá diếc là loại có thịt mềm ngon, bổ dưỡng và có giá trị cao (chứa chất đạm, chất béo, vitamin B1 và các khoáng chất như Can xi, Phốt pho, Sắt… ). Bạn có thể chiên, nấu canh, kho tương hay nấu cháo đều được (1) (2).

Vì sao các món ăn điều trị bệnh lại thường dùng cá diếc (cá giếc)?

Cá diếc chiên

Trong y học cổ truyền, cá diếc được gọi là “tức ngư” và được biết đến với vị ngọt, tính ấm, giúp bổ tỳ vị, tiêu khát, tiêu thũng và sát trùng.

Không chỉ thế, thịt của loài cá này còn giúp “bổ trung ích khí”, làm giảm mụn nhọt, cải thiện bệnh trĩ và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nguy hiểm khác như: chứng ăn vào ói ra, đau mắt đỏ, đại tiện ra máu, thủy thũng và đau tức ngực (ngực đầy tức khó chịu).

Các bài thuốc từ cá diếc

Có nhiều món ăn, bài thuốc từ cá diếc đã được dân gian ghi chép lại, trong đó, có thể kể đến các bài thuốc sau:

1. Điều trị bí đại tiện

Cách dùng rất dễ: bạn chỉ cần lấy cá diếc nấu canh với lá khoai lang và ăn hàng ngày là được (lá khoai lang thì bạn nên cho vào sau vì nó rất mau chín) (1).

2. Điều trị đái tháo (háo khát, uống nước nhiều)

Đây là bài thuốc của lương y Lê Trần Đức.

Cách dùng như sau: lấy 1 con cá diếc, làm sạch, móc bỏ nội tạng rồi nhét lá trà non vào bụng cá (nhét đầy), sau đó dùng miếng giấy bạc gói lại (loại giấy chuyên dùng để nướng thực phẩm) và đem đi nướng cho chín đều rồi ăn (mỗi ngày ăn một lần, ăn vài lần như thế thì sẽ khỏi bệnh) (2).

3. Điều trị lỵ ra máu

Với trường hợp này thì bạn dùng cá diếc nấu canh với lá mã đề và ăn hàng ngày cho đến khi khỏi (nếu không có lá mã đề thì bạn dùng rau sam cũng được, tuy nhiên, nếu nấu với rau sam thì bạn phải rửa rau thật kỹ và luộc sơ một lượt rồi mới vớt rau ra để đem nấu canh nhé).

4. Điều trị thủy thũng

Cá diếc có tác dụng “hành thủy”, vì vậy, dân gian đã dùng nó làm thuốc điều trị thủy thũng bằng cách lấy 1 con cá tươi, làm sạch, xắt nhỏ những phần ăn được rồi nấu cùng 20 g đậu đỏ cho thành cháo và ăn hàng ngày (1).

Vì sao các món ăn điều trị bệnh lại thường dùng cá diếc (cá giếc)?

Cá diếc (cá giếc)

5. Điều trị đổ mồ hôi trộm

Với những bạn bị đổ mồ hôi trộm thì có thể nấu canh cá diếc với lá dâu non (lá dâu tằm) rồi ăn vào buổi chiều (ăn vài ba lần, nếu trường hợp nhẹ thì sẽ khỏi) (1).

6. Điều trị buồn nôn, nôn mửa

Khi bị buồn nôn, bạn có thể lấy một con cá diếc nặng khoảng 250 g, đem làm sạch rồi cắt nhỏ ra.

Sau đó, bạn đem cá nấu canh cùng với 3 g củ gừng, 3 g hạt tiêu (giã nhỏ) và 3 g sa nhân (mua ở các tiệm thuốc Bắc), lượng nước khoảng 400 ml, nấu cho đến khi nước rút còn 100 ml thì chắt lấy nước và chia thành 2 lần uống trong ngày (2).

Thông tin thêm

Cá diếc (cá giếc) có tên khoa học là Carassius auratus, là loài cá thân dẹt, lưng nhô cao, có phần vây và đuôi dài, nhiều vảy bạc.

Đây là loài cá nước ngọt được nuôi nhiều ở các ao, ruộng, sông hồ (nguồn thức ăn ưa thích của chúng là giun, một số loài nhuyễn thể và thực vật thủy sinh khác (2).

Nguồn tham khảo
  1. Vương Thừa Ân, Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày, NXB Hồng Đức, trang 137.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1082.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button