Trà hoa lựu, bột hoa lựu và các bài thuốc dân gian

Rate this post
Trà hoa lựu, bột hoa lựu và các bài thuốc dân gian

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông“.

(Truyện Kiều)

Hoa thạch lựu đỏ rực, cao sang như chính cái cách mà nó được nhắc đến trong thơ ca dân gian. Bao giờ, hoa lựu cũng nằm cao hơn người ta một cái đầu, để những người trần tục phải ngước đôi mắt nhìn mà thèm thuồng sắc hoa rực rỡ!

Bông xanh, bông trắng, bông vàng,

Bông lê, bông lựu, đố nàng mấy bông“.

Đứng trước vẻ đẹp của hoa, người ta đố nhau, tán tỉnh nhau. Để rồi, quay trở về với cuộc sống đời thường, người ta bắt đầu đặt câu hỏi: hoa lựu có thể dùng làm gì?

Trà hoa lựu, bột hoa lựu và các bài thuốc dân gian

Hoa thạch lựu

Trà hoa lựu

Người miền Bắc trước đây có món trà hoa lựu. Trà này không chỉ pha từ hoa lựu mà còn từ hoa đậu cô ve (đậu que), tất cả đều là hoa tươi, mỗi loại 0,2 lạng, đem hãm với nước sôi, đợi 15 – 20 phút thì uống.

Theo kinh nghiệm dân gian thì trà này vừa bổ tiêu hóa, vừa làm mạnh dạ dày, giải nóng nhiệt và đặc biệt là phòng ngừa “trúng gió” vào mùa hè.

Ngoài ra, nếu chỉ dùng riêng hoa lựu làm trà (khoảng 0.3 lạng) cho mỗi lần uống thì sẽ giúp điều trị nóng nhiệt (gây viêm tai giữa, đau răng) (1).

Bột hoa lựu

Hoa lựu có vị chua chát nên pha trà uống thì giúp chặt ruột, thoa ngoài thì giúp cầm máu.

Tư liệu y học cổ truyền có ghi lại rằng: người ta thường dùng hoa khô tán thành bột rồi xay nát, để dành dùng khi bị chảy máu cam (bằng cách để bột hoa trên một tấm giấy hoặc trong ống hút rồi thổi vào lỗ mũi người bệnh, mỗi lần như thế chỉ dùng khoảng 0.01 lạng bột hoa) (1).Trà hoa lựu, bột hoa lựu và các bài thuốc dân gian

Món ăn điều trị bệnh từ hoa lựu

Cũng như hoa thu hải đường, hoa nhài, hoa quỳnh, hoa mơ…; hoa lựu cũng có thể làm thành món ăn để điều trị bệnh. Cách chế biến thường cũng không quá phức tạp và nguyên liệu cũng rất dễ tìm.

Chẳng hạn, có thể kể đến hai món sau đây:

1. Món hoa lựu xào bách hợp

  • Bước 1: lấy 10 bông hoa lựu ngâm nước muối rồi rửa lại bằng nước lã, sau đó vớt ra, để cho ráo nước.
  • Bước 2: lấy 2 hạt bách hợp tách thành các nhánh, cắt bỏ rìa mép rồi rửa sạch.
  • Bước 3: đun sôi dầu ăn rồi đổ bách hợp vào xào, đảo đều vài cái thì cho tiếp hoa lựu và gia vị vào (cho thêm chút nước để tránh khét). Khi thấy hoa lựu chín mềm, bách hợp cũng chuyển sang trong suốt thì tắt bếp, đổ ra dĩa và thưởng thức. Món ăn này có tác dụng giảm ho, bổ phổi và phòng ngừa cảm cúm.

2. Món hoa lựu xào sườn chua ngọt

Món này dùng cho trường hợp phụ nữ rong kinh, kinh nguyệt không đều. Cách nấu như sau:

  • Bước 1: lấy 10 bông hoa lựu ngâm nước muối rồi rửa sạch.
  • Bước 2: lấy 250 g thịt sườn, cắt miếng rồi cho vào thau, thêm tiêu (một muỗng nhỏ), xì dầu (2 muỗng), bột mì (2 muỗng), đường (1 muỗng) để ướp cho thấm đều.
  • Bước 3: cho dầu ăn vào nồi, phi tỏi cho thơm rồi cho thịt sườn vào, chiên cho chín vàng.
  • Bước 4: cho thêm đường, giấm và xì dầu vào, đảo đều rồi cho hoa lựu vào, xào cho chín hết là được (1).

Hai món trên đây bạn có thể ăn hai lần mỗi tuần, bạn nhé!

Lưu ý: Người bị táo bón hoặc tả lỵ (hoặc vừa khỏi các chứng này) không nên dùng.

Cuối cùng, cũng cần nói rằng hoa lựu khi chế biến thành các món ăn sẽ không ngọt ngon như hoa bí, cũng không thơm ngát như hoa nhài. Thế nhưng, với tư cách là một vị thuốc, nó đã đóng góp giá trị trị liệu trong từng món ăn – để các bài thuốc trở nên gần gũi hơn, dễ dùng hơn!

Nguồn tham khảo
  1. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 102.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button