Quả và lá cây trâm mốc (vối rừng) có tác dụng gì?
“Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Đàn bà có con…”.
Trẻ con quê tôi đứa nào cũng biết bài đồng dao đó. Và cây trâm (ở đây là cây trâm mốc, hay còn gọi là cây vối rừng) thì đứa nào cũng biết. Trâm, chùm mồi, cà na, chùm ruột… luôn là những món ăn vặt “thần thánh” của một thời.
Làm sao quên được những buổi trưa hè, trốn cha chốn mẹ, leo lên cây trâm, bẻ chùm trâm chín đen bóng lưỡng rồi chẳng thèm tuột xuống, cứ ngồi giữa cái chạc ba như vậy, vừa ăn vừa hóng gió mát.
Làm sao quên được cái vị ngọt chua của trái trâm chín, và cả cái màu đen tía của nó nhuộm trên răng, lưỡi, quần áo… Để rồi mỗi khi ăn xong, mặt mũi đứa nào đứa nấy đều bị lấm lem. Ấy thế mà vui!
Trái trâm có công dụng gì?
Nếu hỏi trái trâm có công dụng gì thì sẽ rất ít người trả lời được. Hầu như, người ta chỉ ăn nó cho vui miệng, rồi hái đem bán, cứ một lon trái vung lên thì 5 ngàn đồng. Tuy nhiên, theo các phân tích về thành phần dinh dưỡng thì trong thịt trái trâm chín có chứa nhiều chất như: chất đạm, chất béo, đường, chất xơ, chất tro; các khoáng chất như: Canxi, Phốtpho, Sắt và các vitamin như: vitamin C, A, niacin (vitamin B3), thiamin (vitamin B1), riboflavinn (vitamin B2)…
Vì vậy, ở Ấn Độ, nước ép từ thịt quả trâm mốc còn được dùng làm giấm (vì nó có vị chua dễ chịu), giúp lợi tiểu, tốt cho tiêu hóa, ngoài ra còn gây trung tiện (giúp cơ thể “xì hơi”, làm thông hệ tiêu hóa).
Ở Philippine, trái trâm còn được chế biến thành dạng mứt đặc để điều trị kiết lỵ và tiêu chảy cấp tính.
Công dụng làm thuốc của cây vối rừng (cây trâm mốc)
Vỏ cây trâm mốc có màu xám nâu, có vị chua se, chứa tanin (chất chát), axit gallic, chất đạm và nhựa nên có nơi, người ta dùng nó để nấu lấy nước súc miệng, làm sạch khoang miệng (dùng riêng hoặc kết hợp).
Bên cạnh đó, lá của cây cũng được dân gian nấu uống giúp tiêu hóa tốt (tương tự như lá vối).
Thông tin thêm
Cây trâm mốc (vối rừng) có tên khoa học là: Syzygium cumini, là loại cây cổ thụ cao to, đuôi lá nhọn, thân gỗ xù xì và rất hay có sâu: toàn là những con sâu to dài, nâu đen ngoằn ngoèo, lông sừng trông rất khiếp, bám dọc theo thân cây, nách cây và những con sâu này cũng rất hung dữ. Trước đây, nhà tôi cũng có một cây, chúng tôi thường hái trái ăn nhưng đến khi nó bị sâu thì phải chặt bỏ. Bạn thử hình dung xem: khi bạn cầm cái cây để vít con sâu qua chỗ khác thì con sâu sừng sộ cắn táp luôn cái cây ấy, thật ám ảnh đúng không?
Cây trâm mốc khác với các cây sau:
- “Cây vối nhà” mà chúng ta hay dùng lá khô làm trà lá vối, dùng nụ khô làm trà nụ vối..; tên khoa học là Syzygium nervosum.
- Cây vối thuốc (hay còn gọi là cây gỗ hà, cây kháo cài, tên khoa học là Schima wallichii). Vỏ cây vối thuốc có tính kích thích da và có thể làm phồng da.
- Cây vối thuốc bạc (tên khoa học là Schima argentea). Lá cây này được người Trung Quốc dùng làm thuốc kiện tỳ.
- Cây vối thuốc răng cưa (hay còn gọi là cây chò sót, tên khoa học là Schima superba). Cây này có độc.
- Trâm mốc, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A2m_m%E1%BB%91c, ngày truy cập: 26/ 11/ 2021.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, trang 1187 – 1190.