Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Rate this post
Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Với dân gian, vật gì có thể điều trị bệnh thì vật đó là thuốc. Người ta còn nói: “thức ăn là thuốc trị bệnh đói cho chúng sinh”.

Chính vì vậy, nguồn thuốc Nam ngàn năm qua vẫn luôn dồi dào, đa dạng. Ngoài cây, lá, rễ, củ như mọi người thường biết; thuốc Nam còn sử dụng tới đất, đá, động vật, côn trùng, thậm chí là phân, nước tiểu và máu… Nếu đã từng đọc qua các từ điển y học, bạn sẽ không lạ gì với các dạng thuốc vừa kể trên.

Gần gũi hơn, ta có thể kể đến mỡ trăn (là mỡ của con trăn). Với người miền Tây mà nói thì trăn, rắn, lươn, chạch… không xa lạ gì! Thường thì loài trăn sinh sống nhiều ở những vùng đầm lầy nê địa, trong các ao hồ hoặc sâu trong ruộng, đặc biệt là khu vực rừng U Minh (Kiên Giang – Cà Mau).

Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Con trăn

Nghe đến trăn thì nhiều người sợ nhưng với những người tiếp xúc nhiều thì thịt trăn lại là món ăn ngon. Ở Miệt Thứ, nhiều quán nhậu còn giới thiệu thịt trăn như đặc sản: nào là trăn xào lăn, cháo trăn, trăn nướng…

Ngoài ra, còn một phụ phẩm trong quá trình chế biến trăn nữa, đó là mỡ trăn. Thật ra, hiện nay, có rất nhiều chế phẩm có thành phần mỡ trăn, tuy nhiên, giá thành của nó tương đối cao và hiệu quả cũng không bằng mỡ trăn nguyên chất. Trong khi đó, phương pháp bình dân dưới đây lại có nhiều ưu điểm như bảo quản lâu, không hư hoại, ít tốn kém, hiệu quả cao…

Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Mỡ đã chế

Cách lấy mỡ trăn và sơ chế để dùng lâu hơn

Mỡ trăn có dạng “tép” tròn màu trắng đục, dính chùm với nhau thành đùm và chạy dài theo bụng trăn. Vì tép mỡ trăn có màng bao mỏng bên ngoài nên ta phải lấy lưỡi lam rọc nhẹ để tách mỡ trăn bên trong ra (lưu ý bỏ lớp màng mỏng bên ngoài vì nếu dùng nó thì sau này mỡ trăn sẽ rất dễ bị thối rữa, hôi hám).

Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Mỡ trăn chưa chế biến

Sau khi tách lấy mỡ, ta không cần rửa lại mà chỉ cần bỏ vào mâm, sau đó lấy lưỡi lam cắt nhỏ ra rồi đem phơi nắng.

Lưu ý: Chỉ phơi nắng, tuyệt đối không dùng lửa để thắng mỡ.

Viết đến đây, tôi xin phép nói thêm một chút: đó là tác dụng của ánh nắng đối với các vị thuốc, đặc biệt là thuốc Nam. Ngày nay, dù chúng ta có các lò sấy, máy sấy nhiệt, máy sấy lạnh… nhưng phương pháp làm khô được khuyên dùng vẫn là phơi nắng. Trên thực tế, có những vị thuốc chỉ phát huy tác dụng tuyệt đối khi ta phơi nắng, chẳng hạn như mỡ trăn (nếu nấu, thắng lên thì sẽ giảm tác dụng rất nhiều).

Trở lại vấn đề mỡ trăn, sau khi phơi nắng và các miếng mỡ đã tan chảy ra hết thì ta đổ vào chai thủy tinh, đậy nắp kín để dự trữ và dùng dần. Phần xác tốp mỡ thì ta để trong một hủ khác để dùng cho các mục đích khác (hoặc bỏ đi).

Nếu có nhiều mỡ trăn, không thể dùng hết trong thời gian ngắn thì ta đậy nắp kín rồi đem chôn dưới đất (để càng lâu càng tốt vì không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc).

Về tác dụng điều trị phỏng (do nóng)

Gọi phỏng do nóng là để phân biệt với “phỏng lạnh”. Phỏng do nóng có thể do nước sôi, do dầu sôi, do lửa hoặc đồ vật nóng…

Chị ruột tôi năm ấy 13 tuổi, hàng ngày chuyên nấu cơm và chắt nước cơm. Không may, một lần nọ bị vuột tay, cả nồi cơm đang sôi (sắp chín) đều đổ úp vào bụng (vùng rốn). Lúc ấy chị tôi khóc thét vì nóng, tôi cũng luýnh huýnh không biết phải làm gì nên chỉ biết hét lên kêu ba mẹ từ ngoài vườn vào. Thế là ba tôi lấy nước xối cho sạch chỗ cơm dính trên bụng chị tôi, sau đó lấy mỡ trăn thoa lên vùng da bị phỏng.

Sau khi đắp mỡ trăn, vùng da bị phỏng dịu lại và mỗi ngày đều thoa như thế. Sau vài lần, da chỗ ấy lành lại, không phồng lên và cũng không bọng nước. Với trường hợp phỏng nặng, dù da có bị bọng nước, phồng lên thì sau đó cũng sẽ lành và không để lại sẹo.

Cho đến bây giờ, khi viết những dòng này, trong nhà tôi vẫn luôn thủ sẵn hủ mỡ trăn để dùng khi bị phỏng.

Mỡ trăn điều trị phỏng tài tình và câu chuyện ly kỳ chưa kể

Loài trăn trong rừng (ảnh minh họa)

Vĩ thanh – chuyện có thực về mỡ trăn

Trước đây, nhóm người đi rừng mà tôi quen biết từng thấy một con trăn to, dài khoảng 5 m nằm dài trong một khu rừng từng bị cháy rụi. Lúc ấy là vào mùa mưa, lau sậy bắt đầu mọc lên nhưng vì con trăn phải nằm dưỡng thương nên lau sậy cứ thế mọc xuyên qua thân nó (những chỗ thịt mềm), dần dần khiến cho con trăn không thể bò đi được. Tuy nhiên, ở những chỗ da thịt bị thương thì đều có mỡ trăn tươm ra bao bọc, những chỗ khác thì vết thương đã dần lành lại.

Vì vậy, những người đi rừng suy ra: con trăn ấy bị thương do cháy rừng nên nằm liệt ở đây và mỡ trăn chính là thứ đã giúp nó tự chữa lành cho mình.

Trần Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button