Hương nhu tía công dụng khác gì so với hương nhu trắng
Cây hương nhu là vị thuốc điều trị cảm nắng quen thuộc của người dân Việt Nam. Tuy vậy ít ai biết được rằng cây hương nhu có hai loại, đó là loại hương nhu tía (tím) và loại trắng. Vậy hai loại hương nhu này khác nhau như thế nào, và loại nào tốt hơn loại nào hãy cùng tìm hiểu bạn nhé.
- Hương nhu tía có tên khoa học: Ocimum tenuiflorum, thuộc họ hoa môi (1).
Cây hương nhu tía và hương nhu trắng khác nhau điểm nào ?
1. Hình dáng
Chỉ cần nhìn bề ngoài bạn sẽ thấy, hai loại cây này có hình dáng màu sắc hoàn toàn khác nhau.
- Cây hương nhu tía: Cây có kích thước nhỏ hơn nhiều so với Hương nhu trắng, bởi hương nhu tía thường chỉ cao khoảng 60cm, trong khi đó hương nhu trắng có cây cao đến 2 mét. Lá hương nhu tía khá nhỏ.
- Cây hương nhu trắng: Kích thước to lớn hơn nhiều, có thể gấp đôi thậm chí gấp 3 đến 4 lần cây hương nhu tía. Lá hương nhu trắng cũng to bản hơn, có thể to gấp đến 3 lần hương nhu tía.
Màu sắc
- Cây tía toàn cây có màu tía (tím), đặc biệt ở phía mặt dưới lá màu tím rất đậm.
- Với cây hương nhu trắng, toàn bộ mặt trước và mặt sau lá đều màu xanh, và không có chút màu tím nào.
Công dụng
Về công dụng theo kinh nghiệm dân gian hai loại hương nhu này đều có chung một công dụng như nhau đó là: sử dụng như một vị thuốc có tác dụng giải cảm.
Điểm khác biệt: theo kinh nghiệm dân gian thì hiệu quả điều trị bệnh của cây hương nhu tía tốt hơn so với cây hương nhu trắng.
Cách dùng cây hương nhu tía làm thuốc
Cũng giống hương nhu trắng, dùng hương nhu tía có 2 cách là sắc lấy nước uống hoặc dùng xông hơi, cách dùng và liều dùng như sau:
Sắc nước uống điều trị cảm sốt
- Chuẩn bị: khoảng 6g thân lá khô (hoặc 15g tươi), nước sạch 500ml
- Thực hiện: Đem rửa sạch, đun sôi nhỏ lửa trong thời gian khoảng 10-15 phút rồi lấy nước chia ra làm 2-3 lần để uống trong ngày. Ngoài đun uống các bạn có thể dùng cách hãm với nước sôi như hãm trà lấy nước uống cũng rất hiệu quả.
- Lưu ý: Theo báo Vnexpress.net không dùng kéo dài cách trên, chỉ nên dùng trong thời gian khoảng 1-2 ngày, cũng không nên sắc quá kỹ vì có thể làm bay hết tinh dầu thơm, giảm tác dụng của vị thuốc (2).
Xông hơi giải cảm
- Chuẩn bị: Cách dùng đơn giản, lấy khoảng 20g cây khô hoặc (50g cây tươi)
- Thực hiện: Đun cùng với khoảng 3 lít nước, khi nước sôi thì tắt bếp, đặt nồi xông ở vị trí chắc chắn để tránh làm đổ gây bỏng cho người ngồi xông. Người ngồi xông đặt ghế bên cạnh nồi xông, dùng vải cùm kín người xông và nồi xông để giữ hơi nước thuốc xông có thể bao phủ khắp cơ thể, nên cho thêm nước lạnh để giảm bớt nhiệt độ trong nồi xông nếu thấy quá nóng. Nếu có phòng tắm kín và nhỏ, có thể để nồi xông trong phòng tắm và đóng kín cửa phòng sẽ rất hiện.
Thời gian xông khoảng 15 – 20 phút, mỗi ngày làm 1 lần, liên tục khoảng 2 ngày sẽ có hiệu quả.
Phòng cảm nắng dưới trời nắng to
Nếu phải làm việc dưới trời nắng gắt, hãy hái lấy một nắm lá cây lót vào bên trong lòng mũ rồi đội lên đầu, đây là cách mà những người nông dân quê tôi chống chịu với cái nắng gắt giữa trưa tháng 6 để ra đồng làm việc nhà nông.
Cách này khá hiệu quả, giúp mát da đầu và giảm nắng nóng giữa thời tiết nóng nực của mùa hè, đặc biệt là có hiệu quả phòng ngừa cảm nắng rất hay.
Kích thích mọc tóc, giảm rụng tóc, hôi miệng
- Kích thích mọc tóc: Dùng cây khô đun thật kỹ với nước, cô lấy dạng cao đặc rồi hòa vào cùng với mỡ lợn bôi lên đầu mỗi ngày 1 lần sau khi tắm sẽ rất hiệu quả.
- Điều trị hôi miệng: Lấy cây tươi, đun sôi lấy nước, để bớt nóng rồi lấy nước xúc miệng hàng ngày, cách này có tác dụng giảm hôi miệng khá hiệu quả.
Một số nghiên cứu quốc tế về cây hương nhu tía
Tác dụng cải thiện trí nhớ: Một nghiên cứu của các trường Đại học, Cao đẳng dược tại Ấn độ đã tìm thấy khả năng cải thiện trí nhớ gây ra bởi bệnh Alzheimer từ chiết xuất cây hương nhu tía Ocimum tenuiflorum, nghiên cứu này được tiến hành trên chuột đã cho kết quả đáng ngạc nhiên. Đây là một nghiên cứu đáng chú ý, bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ mới sử dụng cây hương nhu làm thuốc giải cảm, giảm rụng tóc. Thông qua nghiên cứu đáng chú ý này, giúp mở ra tiềm năng sử dụng cây thuốc trong phòng ngừa và hỗ trợ chứng suy giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer gây nên (3).
Hoạt tính kháng khuẩn: Một công trình nghiên cứu khác tại Ấn Độ cũng đã xác định hoạt tính kháng khuẩn cao từ chiết xuất lá Ocimum tenuiflorum đã được xác định, bằng phương pháp phân tích các hạt nano. (4).
Giống cây hương nhu tía
Trồng hương nhu tía sẽ rất hữu ích cho gia đình bạn, bởi loại cây này không chỉ đơn thuần là một loại thảo dược, hương nhu tía cũng được coi như một loại hoa cây cảnh lạ và đẹp. Cây hương nhu tía kha dễ gieo trồng, nó được trồng bằng hạt, thời vụ gieo trồng là vào tháng 3, tháng 4 hàng năm.
Nguồn tham khảo