Hạt chôm chôm ăn được không và có tác dụng gì?
“Hạt chôm chôm có ăn được không” là thắc mắc của nhiều người. Bạn biết đấy, hạt chôm có mùi hương dễ chịu, chứa nhiều chất béo không no và một số dưỡng chất. Tuy nhiên, không phải hạt nào giàu dưỡng chất cũng có thể ăn được.
Và với trường hợp hạt chôm chôm thì bạn không nên ăn. Theo tác giả Phạm Hải trong quyển “Cây độc ở Việt Nam” thì hạt chôm chôm có thể gây độc, vì vậy, chúng ta không nên ăn (dù rang chín, nấu chín… thì cũng không nên ăn vì sẽ dễ gây đau bụng, nôn ói, đau đầu…) (1).
Hơn nữa, khi cho con trẻ ăn chôm chôm, bạn cần tách hạt trước (vì đã có nhiều trường hợp trẻ em ăn chôm chôm bị mắc cổ do trái chôm chôm trơn và quá to).
Hạt chôm chôm có tác dụng gì?
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì trong hạt chôm chôm có chứa một lượng lớn dầu béo (từ 35 – 40 % dầu đặc), có vị đắng và gây say khi ăn phải.
Vì vậy, hạt chôm chôm không thể ăn. Tuy nhiên, ta lại có thể dùng hạt chôm chôm làm thuốc. Được biết, trong y học cổ truyền, hạt chôm chôm được gọi là “thiều tử”, là vị thuốc có tính ấm, giúp tiêu viêm kháng khuẩn (nên thường được dùng làm thuốc ngoài da).
Công dụng của nó là: điều trị lở loét lâu ngày, giúp giảm viêm, giảm nhiễm trùng.
Cách dùng: giã nát hạt chôm chôm rồi thoa lên da.
Thông tin thêm
- Có người cho rằng hạt chôm chôm chứa nhiều dầu béo nên dễ gây buồn nôn, đầy bụng… nếu ăn nhiều. Và họ cho rằng nên rang chín để tránh các tác dụng này. Tuy nhiên, đây là cách sử dụng không an toàn. Bạn biết đấy, hạt chôm chôm không quá ngon và cũng không có nhiều tác dụng đáng kể, vì vậy, thay vì ăn với nỗi lo sợ thấp thỏm thì chúng ta nên loại bỏ hạt này, bạn nhé!
- Ngoài ra, theo trang báo Sức khỏe và đời sống thì ăn hạt chôm chôm sống sẽ giúp giảm béo. Tuy nhiên, đây là phương pháp rất có hại vì hạt chôm chôm có thể gây ngộ độc. Hơn nữa, nhiều người có tâm lý muốn giảm béo nhanh chóng nên nếu tin theo thông tin này, ăn nhiều hạt cùng một lúc thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe (hậu quả thật sự không thể lường trước được!). Thay vào đó, nếu muốn giảm béo an toàn thì bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống (giảm tinh bột, giảm đường, giảm mỡ, ăn nhiều rau xanh và vận động vừa phải). Như thế thì sẽ an toàn hơn nhiều (2) (3).
- Các công dụng khác: Như đã nói ở trên, hạt chôm chôm chứa nhiều dầu béo với mùi hương nhẹ, dễ chịu. Vì vậy, trong ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hạt chôm chôm đã được dùng làm nguyên liệu sản xuất xà phòng, nến sáp (đèn cầy)…
Công dụng làm thuốc của trái chôm chôm xanh
Trái chôm chôm chín thì có thể ăn được và thịt của nó giúp bồi bổ rất tốt. Còn trái chôm chôm xanh, bạn đã biết nó có tác dụng gì chưa?
Vâng, vỏ của trái chôm chôm xanh có tác dụng thu liễm, hạ sốt. Vì vậy, trong y học cổ truyền, vỏ trái chôm chôm xanh còn được dùng làm thuốc điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, sốt rét và viêm miệng do nóng nhiệt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng tẩy giun.
Cách dùng: lấy vỏ trái chôm chôm xanh rửa sạch, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (mỗi ngày từ 20 – 40 g tùy theo hướng dẫn của thầy thuốc).
Được biết, không chỉ vỏ trái chôm chôm xanh có tác dụng thu liễm mà vỏ cây (vỏ thân cây chôm chôm) cũng có tác dụng này. Tuy nhiên, vỏ thân ít khi được dùng làm thuốc và các tư liệu cũng không ghi rõ nó được dùng trong trường hợp gì (4).
Nhìn chung, cây chôm chôm được biết đến là một loại cây ăn trái (hơn là cây thuốc). Các công dụng làm thuốc của nó vẫn khá ít so với các cây thuốc khác. Tuy nhiên, nó vẫn có đóng góp nhất định vào kho tàng cây thuốc dân gian Việt Nam.
Nguồn tham khảo