Đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường) có hiệu quả không?

Rate this post
Đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường) có hiệu quả không?

Tâm lý con người thường là đề cao cái mới, cái lạ mà xem thường những cái gần gũi. Khi có bệnh cũng vậy, khi nghe tên một vị thuốc nào vừa lạ, vừa khó tìm, giá cao thì người ta tin ngay là nó “thần hiệu”, có thể đuổi được bệnh của mình. Ngược lại, nếu nghe tên những vị thuốc bình thường, mọc đầy đường thì người ta có xu hướng cho rằng nó không hay. “Bụt gần nhà mất thiêng” là vậy.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực Đông y, mỗi vị thuốc đều có thể là “thần dược” nếu nó được dùng đúng cách, đúng bệnh và đúng liều lượng. Từ phần lọ dưới đáy nồi (bách thảo sương) cho đến cây cỏ cứt heo, cỏ mần trầu, cỏ gà, đến cây tre, cây lúa…; tất cả đều có thể dùng làm thuốc với các công dụng riêng của nó.

Ta thấy, riêng với bệnh tiểu đường, nếu chỉ tính thuốc Nam thì cũng có đến ít nhất hàng chục loại có thể điều trị hiệu quả. Đó có thể là trà nụ vối, lá ổi non, lá xoài non, củ cải trắng, cây cam thảo đất, trái khổ qua rừng… hay hạt đậu xanh mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày.

Nói về hạt đậu xanh thì đây là vị thuốc rất tài tình đối với chứng giời leo (giời ăn). Chỉ cần nhai nát rồi đắp lên là các vết giời leo sẽ khô nhanh chóng (hay hơn cả thuốc Tây). Còn về tác dụng điều trị tiểu đường của nó như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường) có hiệu quả không?

Đậu xanh

Đậu xanh có tác dụng gì đối với bệnh tiểu đường?

Bạn biết đấy, nguyên tắc điều trị tiểu đường là đưa lượng đường huyết về trạng thái an toàn cho cơ thể (không quá cao nhưng cũng không quá thấp). Vì vậy, trong ăn uống cũng như trong dùng thuốc, ta sẽ lựa chọn những thực phẩm không làm tăng đường huyết hoặc giúp giảm đường huyết về mức vừa phải. Trong đó, đậu xanh là một đơn cử khá lý tưởng.

Thứ nhất, đậu xanh rất dễ mua, giá rẻ và dễ dùng. Thứ hai, đậu xanh có chỉ số đường huyết thấp (chỉ 31). Vì vậy, sau khi ăn đậu xanh, bệnh nhân sẽ không bị tăng đường huyết mà ngược lại, nó còn giúp giảm đường huyết (1).

Đó là vì đậu xanh chứa nhiều chất xơ. Chất xơ này, mặc dù không có giá trị dinh dưỡng nhưng nó lại có vai trò trong hòa phối dinh dưỡng, tạo môi trường nền cho quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Nói cách khác, khi đường, chất béo và các chất khác đi vào cơ thể, chúng sẽ được trộn cùng chất xơ và tiêu hóa một cách từ từ. Nhờ thế, hiệu quả tiêu hóa cao hơn và đồng bộ hơn; lượng đường giải phóng vào máu cũng chậm hơn (nên không làm tăng đường huyết đột ngột). Mặt khác, đậu xanh lại giúp bạn mau no hơn và giảm thèm đồ ngọt.

Đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường) có hiệu quả không?

Cách nấu cháo đậu xanh điều trị tiểu đường

Mặt khác, xét từ góc độ ứng dụng thực tế thì nhiều năm qua, dân gian cũng đã dùng đậu xanh để cải thiện tình trạng bệnh của mình. Các công trình nghiên cứu bài bản về y học như Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam… cũng đã ghi lại công dụng điều trị tiểu đường của loại đậu này (2) (3).

Cách dùng đậu xanh điều trị tiểu đường

Có nhiều cách dùng đậu xanh để cải thiện bệnh tiểu đường, trong đó, cách nấu cháo đậu xanh điều trị tiểu đường là dễ dùng nhất: Lấy 40 g hạt đậu xanh, nấu thành cháo (không cần thêm gạo hay đường gì cả), sau đó chia thành 2 hoặc 3 lần ăn trong ngày.

Đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường) có hiệu quả không?

Cháo đậu xanh

Để mang lại hiệu quả cao hơn thì bạn nên mua loại đậu xanh còn nguyên hạt và kiên trì dùng ít nhất 1 tuần. Tuy nhiên, nếu bạn thấy ngán thì có thể mua đường cỏ ngọt hoặc các loại đường chuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường (không làm tăng đường huyết) để nêm vào cháo cho dễ ăn hơn. Thỉnh thoảng, để thay đổi khẩu vị, bạn cũng có thể làm sữa đậu xanh uống.

Chú ý

Khi bắt đầu dùng đậu xanh như một phương pháp điều trị tiểu đường thì bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc xem cách kết hợp giữa Đông y và Tây y như thế nào (thường là cách nhau 3 tiếng trở lên, liều lượng tăng giảm tùy theo bệnh trạng). Quan trọng hơn, bạn phải biết tình trạng bệnh của bạn là nhẹ hay nặng, tránh việc bỏ thuốc Tây đang uống (rồi chuyển hoàn toàn sang thuốc Đông y) làm cho đường huyết tăng đột ngột; hoặc dùng cả hai loại thuốc (trong khi cơ thể chỉ bị tăng đường nhẹ) làm cho đường huyết giảm đột ngột. Cả hai trạng thái này đều có hại cho cơ thể.

Nguồn tham khảo
  1. Mung bean, http://www.gilisting.com/glycemic-index/2007/01/gi-of-mung-beans.html, ngày truy cập: 03/ 12/ 2021.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 932.
  3. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 918.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button