Đậu nho nhe có công dụng gì và cách dùng như thế nào?
178
Nội Dung
Rate this post
Đậu đỏ thì chúng ta hầu như ai cũng biết. Còn đậu nho nhe, người Phú Yên hay gọi là đậu gạo thì không phải ai cũng đã ăn qua. Và nếu chưa từng tiếp xúc, có thể bạn sẽ nhầm lẫn hai loại này vì chúng khá giống nhau.
Tuy nhiên, xét về tính chất thì đậu nho nhe khác hơn nhiều so với đậu đỏ: hạt đậu nho nhe thon dài, mắt đậu cũng dài còn đậu đỏ thì tròn mập hơn và mắt đậu ngắn.
Và nếu bạn muốn mua đậu nấu chè thì đậu đỏ là ngon nhưng nếu muốn nấu xôi, gói bánh thì hãy chọn đậu nho nhe nhé!
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ thì hạt đậu này ngọt bùi hơn. Đặc biệt, khi chín thì đậu này không nở bung nát ra mà mềm bùi và sau khi nấu xong, nếu ăn không hết, đem để ngăn mát tủ lạnh thì hạt đậu cũng không bị cứng lại.
Vài nét về cây đậu nho nhe
Cây có tên khoa học là Vigna umbellata (đồng nghĩa Phaseolus calcaratus) và có nhiều tên khác như đậu gạo (mễ đậu 米豆), phạn đậu (饭豆), đậu nâu, đậu Cao Bằng… (1).
Nhìn chung, đặc điểm bên ngoài của cây đậu này khá giống với các loại đậu khác như đậu xanh, đậu đỏ… và thường cao dưới 75 cm (cũng có dạng thân leo). Hạt đậu có màu nâu đỏ mận (tuy nhiên cũng có các loại khác, với các màu khác, chẳng hạn như màu xanh nhạt đục, hạt đậu dài hơn đậu xanh thông thường).
Đậu đậu (loại hạt xanh đục)
Ở nước ta, đậu nho nhe được trồng nhiều ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc (đặc biệt là Cao Bằng nên còn được gọi là đậu Cao Bằng). Cây này có khả năng chịu khô hạn nên cũng dễ chăm sóc (1).
Ăn đậu nho nhe có tác dụng gì?
Đậu này nổi tiếng với độ bùi là vì nó chứa nhiều chất đạm (20,9 %), cao hơn cả đậu đỏ (19,9 %) và đậu đen (1,7 %).
Được biết, hàm lượng chất đạm có trong loại đậu này cao nhất là khi hạt khô và giảm dần khi hạt đậu trương nước, bắt đầu nảy mầm (1) (2). Vì vậy, dân gian hay dùng nấu xôi, làm nhân bánh, nấu chè…
Xôi đậu nho nhe
Không chỉ thế, kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng còn cho thấy đậu này chứa chất béo (0,9 %), chất xơ (4,8 %) và rất nhiều đường bột (64,9 %).
Ngoài ra, hạt đậu này còn chứa Can xi, Phốt pho, Na tri, Ka li, Đồng, Man gan, Kẽm, Sắt, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin E, … Tổng năng lượng mà 100 g đậu cung cấp là 324 kcal (3).
Theo y học cổ truyền, hạt đậu có vị ngọt, tính bình, quy kinh Tâm, Tiểu trường và có các công dụng chính là: hành huyết, cầm máu, làm mạnh lá lách, lợi thủy tiêu thũng và khử thấp. Trong ứng dụng làm thuốc, dân gian thường dùng nó với công dụng tương tự như đậu đỏ. (1).
Thông tin thêm
Trong các tư liệu y học ở nước ta thì hạt đậu đỏ (loại hạt nhỏ) còn được gọi là “xích tiểu đậu”. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, “xích tiểu đậu” (赤小豆) lại được dùng để chỉ đậu nho nhe, còn “tiểu đậu” (小豆) lại được dùng cho đậu đỏ (để đối sánh với “đại đậu” là hạt đậu nành (大豆)).
Theo trang https://baike.baidu.com/, đậu nho nhe có công dụng lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc bài nùng và điều trị cước khí phù thũng (dùng từ 9 – 30 g mỗi ngày, nấu lấy nước uống và có thể ăn cả cái) (3).
Ngoài ra, theo tạp chí International Journal of Food Sciences and Technology, kết quả nghiên cứu cho thấy hạt đậu này sẽ chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa hơn khi nó nảy mầm (4), tuy nhiên, lúc này lượng đạm lại giảm (2).