Dâu dây (dây mề gà) điều trị đau nhức lưng gối và sưng đau do bị thương

Rate this post

Trong các khu rừng thứ sinh ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, có một loài dây leo trông giống dây nho nhưng trái lại nhỏ hơn nhiều và được gọi là cây nho rừng, cây dâu dây, song nho dị diệp hay dây mề gà (1) (2).

Trên thế giới, loài cây này được dùng làm thuốc điều trị nhiều bệnh liên quan đến sưng viêm và nhức mỏi xương khớp. Vậy, cách dùng như thế nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn nhé!

Cây dâu dây (dây mề gà) là cây gì?

Cây dâu dây là một loại dây leo bằng tua cuốn, có tên khoa học là Ampelopsis heterophylla, thuộc họ Nho. Lúc còn non, các nhánh của nó có lông. Đặc biệt, các tua cuốn của cây này rất khỏe, phân nhánh và mọc đối diện với các lá. Những phiến lá này mọc so le nhau, có hình trái tim và có lông mịn ở cả hai mặt, mép lá có dạng răng cưa.

Hoa dâu dây có màu vàng, mọc thành chùm dạng ngù và quả mọng tròn, chứa 3 hoặc 4 hạt bên trong.

Dâu dây (dây mề gà) điều trị đau nhức lưng gối và sưng đau do bị thương

Hạt dâu dây

Ở nước ta, cây dâu dây mọc ở khắp nơi (và ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Philippine, Nga… cũng có loại cây này) (1).

Tác dụng làm thuốc của cây dâu dây

Theo kinh nghiệm dân gian thì toàn cây dâu dây đều được dùng làm thuốc. Bạn có thể thu hái vào bất kỳ thời điểm nào và dùng tươi hay cắt ra, phơi khô cũng được.

Dâu dây (dây mề gà) điều trị đau nhức lưng gối và sưng đau do bị thương

Quả dâu dây

Theo y học cổ truyền, cây dâu dây có vị ngọt đắng và có tính thanh mát. Thông thường, nó được dùng trong các bài thuốc giúp thanh nhiệt, làm xẹp mụn nhọt, tiêu sưng và điều trị phong thấp, xương khớp đau nhức (1).

Trong đó, có thể kể ra hai bài thuốc thường dùng sau đây:

1. Bài thuốc điều trị đau quanh vai – đau ở phần nối liền cánh tay, chân gối bị sưng phù hoặc đau nhức lưng và gối

  • Chuẩn bị thành phần: 40 g toàn cây dâu dây, 20 g huyết giác, 20 g đơn gối hạc và 20 g cẩu tích.
  • Cách thực hiện: Bạn lấy các vị trên bạn xắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày một thang (1).

2. Bài thuốc điều trị sưng đau do tổn thương bên ngoài

Với trường hợp này, bạn vừa dùng thuốc ngoài da, vừa dùng uống trong, cụ thể như sau:

  • Dùng ngoài da: hái một ít lá dâu dây tươi (vừa đủ dùng), đem rửa sạch rồi giã nát và chưng cho ấm nóng rồi đắp lên chỗ sưng (lưu ý không chưng quá nóng để tránh bị bỏng).
  • Dùng thuốc uống: lấy 20 g rễ cây dâu dây, 20 g huyết giác và 20 g dây đau xương; tất cả xắt nhỏ và nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Các nghiên cứu về cây dâu dây

  • Hoạt tính hạ đường huyết: Kết quả nghiên cứu trên thỏ bị đái tháo đường type 2 (do ăn nhiều đường và chất béo) cho thấy trong cây dâu dây có hoạt chất giúp giảm đường huyết (vì vậy, loài cây này được xem là có tiềm năng làm thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường type 2) (3).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây dâu dây có tác dụng chống oxy hóa (nhờ có các hoạt chất như hyperoside, isoquercitrin, rutin, kaempferol‐3‐rutinoside và quercetin) (4).

Phân biệt

Cây dâu dây (dạng dây leo có tua cuốn) được đề cập trong bài viết này còn được gọi là dây mề gà nhưng nó khác với một số vị thuốc khác có tên gần giống như:

  • Cây mề gà (tức cây trôm quý, có tên khoa học là Sterculia nobilis) (5).
  • Dây khoai trời (trong dân gian có người gọi là dây mề gà).
  • Màng mề gà (vị thuốc này chính là lớp màng bên trong của mề con gà, hay còn gọi bằng các tên khác như kê nội kim, kê hoàng bì… (6).

Vì vậy, khi dùng làm thuốc, cần chú ý tên gọi và đặc điểm dược liệu để tránh nhầm lẫn.

Ngoài ra, cây dâu dây cũng khác với cây dâu đất (hay còn gọi là dâu núi, có tên khoa học là Duchesnea indica) (1).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button