Cây dứa Mỹ, loài cây cảnh độc đáo và tiềm năng làm thuốc
Nhà bạn có trồng cây dứa Mỹ không? Và bạn có biết cây này có tác dụng gì không?
Thật ra, cây dứa Mỹ được trồng không phải để lấy quả ăn mà để làm cảnh và làm thuốc. Ở quê tôi, nhiều người không biết tên cây này nhưng vẫn xin hoặc mua về trồng vì cho rằng nó giúp phát tài phát lộc, mang đến may mắn, điềm lành.
Thông thường, những người yêu thích cây cảnh sẽ trồng một cặp ở hai bên cổng ra vào hoặc hai bên nhà (trồng trực tiếp vào đất hoặc trồng trong chậu).
Cây dứa Mỹ – đôi điều cần lưu ý
Cây dứa Mỹ còn được gọi là dứa sợi Mỹ, có tên khoa học là Agave americana, thuộc họ Dứa sợi (1) (2).
Loài cây này đẹp ở các phiến lá dày, dai giòn, xanh phủ phấn và nếu xé ra thì bạn sẽ thấy bên trong có rất nhiều sợi dọc.
Một thông tin thú vị là bạn có thể dễ dàng nhân giống cây này bằng cách nhổ một cây con mọc dưới gốc cây mẹ rồi ghim vào đất, tưới nước đầy đủ. Ít lâu sau, cây con sẽ bén rễ và phát triển khá nhanh.
Điều cần lưu ý khi trồng dứa Mỹ chính là mỗi đuôi lá của nó (hướng tỏa lên trên) đều có một đuôi gai nhọn, rất cứng và sắc, có màu đỏ tía hoặc nâu đen. Vì vậy, sau vài tháng chăm sóc, bạn sẽ thấy các lá dứa Mỹ tỏa ra từ gốc, uốn cong một đường thoải rất đẹp (nhưng gai thì cũng rất nhọn, rất nguy hiểm nếu không may ngã té vào (hoặc va chạm phải)).
Do đó, nếu gia đình bạn có người già và trẻ nhỏ thì hãy ngắt các gai này bỏ nhé! (gai này rất dễ ngắt ngang vì lá của nó giòn mềm).
Một điều khá thú vị là cây dứa Mỹ không chỉ cho lá đẹp mà còn cho hoa với nét độc đáo riêng: cuống hoa trổ thẳng từ gốc, dài từ 9 – 12 m nên trông rất cao và đẹp ngạo nghễ. Đặc biệt, hoa của cây nhiều và mọc thành các chùm trên trục cụm hoa. Tuy nhiên, cây này rất chậm ra hoa (thường từ 8 năm tuổi trở lên mới ra hoa) (1).
Cây dứa Mỹ có thể dùng làm thuốc không?
Cây dứa Mỹ có thể dùng làm thuốc và bộ phận được dùng là lá cây (bắt đầu dùng khi cây được trồng từ 3 năm trở lên). Với mỗi cây dứa Mỹ, bạn có thể thu hoạch hai hoặc ba lần trong 1 năm và thu được 5, 6 năm liên tục như thế.
Được biết, trong lá dứa Mỹ có chứa chất đường khử, vitamin C, chất nhầy, … và đặc biệt là hecogenin (do đó, cây này được nhiều nước trên thế giới trồng với quy mô công nghiệp để làm nguồn nguyên liệu chiết xuất hecogenin, từ đó sản xuất ra các thuốc loại cortison) (1).
Theo y học cổ truyền, lá dứa Mỹ có vị chua chát, tính bình và giúp cầm máu, tiêu viêm. Vì vậy, ở Trung Quốc, người ta dùng lá cây này điều trị ghẻ ngứa ngoài da (ngoài ra còn dùng điều trị tử cung xuất huyết hoặc viêm hố chậu).
Ngoài ra, rễ và lá cây dứa Mỹ còn được dân gian dùng làm rượu thuốc giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau nhức khớp (bằng cách phơi khô, cắt nhỏ rồi ngâm với rượu và dùng theo liều lượng được chỉ dẫn bởi thầy thuốc) (1).
Phân biệt
Cây dứa Mỹ khác với cây dứa Mỹ mép vàng (có tên khoa học là Agave americana L. var. marginata). Giống như tên gọi, cây dứa Mỹ mép vàng có viền vàng chạy dọc theo hai mép lá và mép lá có dạng răng cưa.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, lá cây này được biết đến với công dụng khư ứ sinh tân, nhuận phổi, ngừng ho và được dùng làm thuốc điều trị lở độc, ho do phế táo, ngoại thương xuất huyết, … (1).
Ngày nay, ở nước ta, hai loại cây trên đều được trồng khá nhiều nhưng chủ yếu để dùng làm cảnh. Dân gian tin rằng, khi các cây này ra hoa cũng là lúc lộc trời ban xuống, giúp gia đình ấy được may mắn, phúc lành, làm ăn thuận lợi. Vì vậy, tùy kích cỡ cây mà người ta thường trồng nó trước nhà, trên ban công, trong phòng làm việc hay trang trí cho nhà hàng, các quán cà phê…