Cây xà cừ và bài thuốc dân gian điều trị thủy đậu (trái rạ, cháy rạ)

Rate this post
Cây xà cừ và bài thuốc dân gian điều trị thủy đậu (trái rạ, cháy rạ)

Lúc trước, khi còn học ở Cần Thơ, tôi cứ thắc mắc tại sao khuôn viên ký túc xá lại trồng nhiều xà cừ như thế. Cây nào cây nấy cao mấy chục mét, một người ôm không xuể.

Sau này, tôi mới biết đây là loại cây chuyên lấy gỗ vì gỗ của nó bền, cứng, rất dẻo dai. Không chỉ thế, dân gian còn có bài thuốc điều trị thủy đậu (trái rạ), ghẻ, nấm da… từ loại cây này.

Vậy, cách dùng như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé!

Vài nét về cây xà cừ

Cây xà cừ có tên khoa học là Khaya senegalensis (hay còn gọi là cây sọ khỉ). Đây là loại cây rất phổ biến ở nước ta, thường được trồng làm cây xanh trên đường phố, công viên và khuôn viên trường học.

Ở quê tôi, bóng dáng xà cừ xanh tỏa, hiện hữu rộng khắp các phố phường. Từ những đô thị sầm uất đến các vùng nông thôn mới, sự hiện diện của loài cây xà cừ giúp thanh lọc không khí, luôn mang đến sự trong lành, tạo cảnh quang sạch đẹp, mát mẻ và giảm thiểu sức nóng, khói bụi từ xe cộ.

Cây xà cừ và bài thuốc dân gian điều trị thủy đậu (trái rạ, cháy rạ)

Những hàng cây xà cừ

Không những thế, các bộ phận từ thân, lá của loại cây thân gỗ này còn có tác dụng điều trị một số bệnh thường gặp (1).

Bài thuốc dân gian điều trị hiệu quả bệnh thuỷ đậu (trái rạ)

Theo tạp chí Pharmacognosy Journal, kết quả nghiên cứu cho thấy vỏ cây xà cừ có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm (vì có công dụng kháng khuẩn) (2).

Trước đây, một người bạn của tôi bị trái rạ (thủy đậu) và rất mặc cảm. Tuy nhiên, sau khi dùng cách này thì bạn ấy đã hết bệnh (dùng khoảng 1 tuần).

  • Chuẩn bị: lá và vỏ cây xà cừ (dùng tươi), liều lượng từ 50 đến 70 gam.
  • Thực hiện: Lấy lá và vỏ cây rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ thêm 2 hoặc 3 lít nước, nấu cho sôi lên rồi tắt bếp.

Cách dùng: Có 2 cách dùng và để hiệu quả cao thì bạn nên kết hợp cả 2 cách.

  • Cách 1 – Dùng để tắm: Bạn đợi nước ấm lại thì dùng nước đó để tắm (hoặc pha thêm 1 – 2 chén nước cho đủ nước tắm).
  • Cách 2 – Dùng để lau: Lấy lượng nước thuốc vừa đủ rồi cho ra một cái thau riêng, đợi cho nước bớt nóng thì dùng khăn sạch nhúng vào, vắt cho hơi ráo (không ráo quá) rồi lau lên da.

Số lần dùng: Nếu chọn cách tắm thì bạn tắm 2 lần mỗi ngày. Nếu chọn cách lau, thoa thuốc lên da thì bạn lau 3 lần mỗi ngày (mỗi lần lau từ 10 đến 15 phút). Nếu chọn kết hợp cả hai thì bạn có thể tắm 1 lần và thoa 2 lần, kiên trì sử dụng từ 5 đến 7 ngày thì sẽ khỏi bệnh.

Cây xà cừ và bài thuốc dân gian điều trị thủy đậu (trái rạ, cháy rạ)

Cây xà cừ

Một vài lưu ý:

  • Nếu tắm cho trẻ nhỏ thì cần pha thêm nước cho loãng ra.
  • Khi bị thủy đậu, bạn không nên với gió ngoài trời (có thể dùng quạt ở độ mát nhỏ nhất để các nốt thủy đậu không bị hầm bí).
  • Kết hợp lau khô các nốt thủy đậu bằng bông tăm để tránh lây lan ra các vùng da khác (hoặc lây nhiễm cho người khác).
  • Nên bảo quản nước thuốc trong bình thuỷ hoặc bình giữ nhiệt và dùng trong ngày, qua hôm sau thì thực hiện nước thuốc mới.

Thông tin thêm về cây xà cừ

  • Cách dùng điều trị ghẻ: lấy lá xà cừ, nấu lấy nước thật đặc rồi để nguội và rửa các nốt ghẻ thường xuyên (phần xác lá thì đắp lên các nốt ghẻ).
  • Cách dùng điều trị nấm da: lấy vỏ cây phơi khô, nấu lấy nước thật đặc rồi để nguội và thoa thường xuyên lên vùng da bị nhiễm nấm (1).

Kim Lụa

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 1206.
  2. An examination of the Antimicrobial and Anticancer Properties of Khaya senegalensis (Desr.) A. Juss. Bark Extracts, https://www.phcogj.com/article/351, ngày truy cập: 26/ 08/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button