Cây lộc vừng, giá trị làm cảnh và làm thuốc

Rate this post
Cây lộc vừng, giá trị làm cảnh và làm thuốc

“Vừng ơi, mở cửa ra!” Có lẽ câu thần chú ấy đã khiến cho những cây có tên là “vừng” đều được quý hóa. Ví dụ như cây lộc vừng, người ta tin rằng nó là loại cây kêu gọi tài lộc, giúp gia chủ được nhiều may mắn, giàu sang và thịnh vượng.

Vì vậy, trong giới chơi cây cảnh thì lộc vừng được xếp vào bộ Tam Đa (cùng với cây sung và cây vạn tuế). Ở miền Nam, cây lộc vừng được ưa chuộng hơn cả ngọc kỳ lân, đặc biệt là cho nhu cầu làm cây cảnh quan, cây công trình…

Điểm cộng cho loài cây này là tán lá đẹp, lâu tàn, hoa thì đẹp như hoa liễu (vì vậy, nhiều người nếu chỉ nhìn hoa lộc vừng thì sẽ tưởng là hoa liễu).

Đặc biệt, với những cây lộc vừng bonsai thì khi nở, hoa của nó lại càng đẹp. Từng chùm hoa kéo dài, lơ thơ trong gió, thoang thoảng hương thơm.

Cây lộc vừng, giá trị làm cảnh và làm thuốc

Cây lộc vừng bonsai

Cũng cần nói thêm: ở nước ta có nhiều loại lộc vừng khác nhau nhưng phổ biến nhất là lộc vừng đỏ (hoa màu đỏ) và lộc vừng trắng (hoa màu trắng). Ngoài ra, vì những cây lộc vừng cổ thụ hiện nay khá hiếm nên nhiều người đã bán cây giả, vì vậy, người mua cần chú ý để nhận dạng (nên mua cây đã có hoa để dễ kiểm tra) (1).

Công dụng làm thuốc của cây lộc vừng

Ngoài công dụng làm cảnh thì lộc vừng còn được biết đến với vai trò là một cây thuốc dân gian. Nó có tên khoa học là Barringtonia acutangula, thuộc họ Lộc vừng. Cây thuộc dạng cổ thụ, có hoa mọc thành chùm dài.

Cây lộc vừng, giá trị làm cảnh và làm thuốc

Cây lộc vừng hoa đỏ

Cây lộc vừng, giá trị làm cảnh và làm thuốc

Lộc vừng hoa trắng

Vỏ thân: Theo y học cổ truyền, vỏ cây lộc vừng và quả của nó đều có thể dùng làm thuốc. Với vỏ cây thì ta lấy phần vỏ trên thân, thái thành từng miếng rồi phơi khô. Với quả thì dân gian thường dùng tươi.

Được biết, vỏ cây có các công dụng sau:

Cách dùng: lấy 8 – 16 g vỏ cây, sắc lấy nước uống.

Dùng ngoài da: với trường hợp bị côn trùng cắn đốt, dân gian thường dùng vỏ cây lộc vừng, nhai nát cùng với cần thăng rồi đắp lên vết cắn (cây cần thăng thường thấy ở Nam Bộ).

Quả: Quả lộc vừng thường chỉ được biết đến với công dụng điều trị chàm (bằng cách giã nát quả tươi, ép lấy nước rồi bôi lên da) (1).

Các nghiên cứu về cây lộc vừng

Trên thế giới, giá trị dược liệu của cây lộc vừng được quan tâm khá nhiều, đặc biệt là hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống tiêu chảy…

  • Hoạt tính kháng khuẩn: Theo tạp chí Phytotherapy research, vỏ thân của cây lộc vừng có chứa các hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn (ít nhất hai loại vi khuẩn và hai loại nấm). Trong đó, chiết xuất petroleum ether là cho hoạt tính cao nhất đối với các sinh vật thử nghiệm (2). Ngoài ra, theo tạp chí Indian Journal of Pharmaceutical Sciences, chiết xuất etanol (95%) từ cây lộc vừng cũng có chứa các chất giúp chống lại các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (3).
  • Tác dụng chống tiêu chảy: Theo tạp chí Pharmaceutical Biology, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất methanol từ lá cây lộc vừng có các chất giúp giảm đau và chống tiêu chảy (4).
  • Tác dụng chống oxy hóa: Theo tạp chí International research journal of bilogical sciences, chiết xuất etanolic từ lá và vỏ cây lộc vừng có tác dụng chống oxy hóa đáng kể (tương đương với vitamin C) (5).
  • Tác dụng bảo vệ gan: Theo tạp chí Indian Journal of Natural Products and Resources, kết quả thí nghiệm trong ống nghiệm và trên chuột thí nghiệm đều cho thấy chiết xuất methanol từ lá cây lộc vừng có chứa các hoạt chất giúp bảo vệ gan. Hiển nhiên, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi ứng dụng trên cơ thể người (6).
  • Tác dụng chống tiểu đường: Theo tạp chí Chinese Journal of Natural Medicines, chiết xuất nước và metanol từ lá cây lộc vừng có tác dụng chống tiểu đường (kết quả thí nghiệm trên chuột) (7).

***

Nhà bạn có trồng cây lộc vừng không? Ngoài hoa đẹp, dáng đẹp và bóng mát, cây lộc vừng còn mang lại cho bạn cảm giác nào nữa? Là vui hay là buồn, là thư thái hay là gợi nhớ, gợi thương?

Lộc vừng rụng đỏ góc sân
Bên hiên đỏ mắt bần thần mẹ tôi
Ngẫm đời bạc thếch như vôi
Con dăm bảy đứa mùa trôi một mình“.
(Chiên Nguyễn)
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, 1340.
  2. Antimicrobial activities of Barringtonia acutangula, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/ptr.1341, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.
  3. Antibacterial Activity of Barringtonia acutangula against Selected Urinary Tract Pathogens, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3038303/, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.
  4. Antinociceptive, antidiarrheal, and neuropharmacological activities of Barringtonia acutangula, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.3109/13880209.2012.656850, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.
  5. In vitro Antioxidant Activity of Leaf and Bark Extracts of Barringtonia acutangula Linn, https://scirange.com/fulltext/irjbs.2019.37.40, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.
  6. Hepatoprotective effect of Barringtonia acutangula Linn. leaves on carbon tetrachloride-induced acute liver damage in rats, http://nopr.niscair.res.in/handle/123456789/13354, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.
  7. Barringtonia acutangula improves the biochemical parameters in diabetic rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1875536414600200, ngày truy cập: 25/ 02/ 2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button