Cách dùng lá lưỡi hổ điều trị hôi miệng, nhức răng
Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh quen thuộc, được nhiều người ưa chuộng vì nó dễ sống và lá thì tươi tốt quanh năm. Đặc biệt, phiến lá của nó dày và có những sọc đậm màu xanh, vằn vằn như lưỡi hổ.
Theo kinh nghiệm dân gian, ta có thể dùng lá lưỡi hổ để làm thuốc ngoài da, thuốc ngậm giúp điều trị hôi miệng, nhức răng (tuy nhiên, ta không được dùng làm thuốc uống vì cây này có độc nhé!).
Nguyên nhân gây hôi miệng
Chăm sóc sức khỏe răng miệng là một việc làm cần thiết giúp bạn ăn uống dễ dàng và sống khỏe hơn. Bên cạnh đó, một hơi thở thơm mát và hàm răng chắc khỏe, trắng sáng cũng giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp.
Tuy nhiên, đôi khi bạn đã vệ sinh răng miệng thật kỹ rồi nhưng vẫn bị hôi miệng, gây nên mùi khó chịu khi thở hoặc khi nói chuyện. Thông thường, tác hại lớn nhất của hôi miệng chính là làm mất tự tin khi giao tiếp.
Nguyên nhân của bệnh hôi miệng có thể do chứng khô miệng, vị nhiệt, khó tiêu, do ăn các loại thức ăn nặng mùi (ví dụ như tỏi, hành, thức ăn nhiều gia vị…), do hút thuốc lá hoặc do các bệnh có liên quan đến mũi. Bên cạnh đó, với những mẩu thức ăn còn sót lại và bám vào kẽ răng thì vi khuẩn cũng sẽ lên men làm cho khoang miệng bị hôi. Ngoài ra, các bệnh về răng miệng cũng sẽ ảnh hưởng đến mùi hơi thở.
Với phụ nữ mang thai, một vài trường hợp cũng sẽ bị hôi miệng trong thời gian ốm nghén (1).
Cách dùng cây lưỡi hổ điều trị hôi miệng, đau răng
Theo kinh nghiệm dân gian, bạn có thể dùng lá lưỡi hổ để điều trị hôi miệng và đau răng.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Rửa sạch 3 lá lưỡi hổ tươi vằn xanh (không có mép vàng), cắt thành từng khúc nhỏ rồi đem đi giã nát.
- Bước 2: Cho một ít nước vào rồi vắt lấy nước cốt (khoảng ¼ chén), cho thêm một ít muối vào rồi sử dụng.
- Cách dùng: Ngậm trong vòng 5 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần vào buổi sáng và tối (kiên trì ngậm trong vòng 1 – 2 tuần thì bệnh hôi miệng sẽ từ từ khỏi). Cách dùng này cũng giúp giảm nhức răng.
- Ghi chú: Bạn nên kết hợp với chế độ chăm sóc răng miệng phù hợp, chải răng đúng cách theo hướng từ trên xuống để đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng, lưỡi sau khi ăn, uống đủ nước, không ăn quá nhiều thức ăn có mùi mạnh như tỏi và đồ ăn cay nóng…
Thông tin thêm
Nước cốt lá lưỡi hổ còn có công dụng tuyệt vời trong việc hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm amidan và viêm họng hạt. Bạn chỉ cần ngậm rồi súc, khò họng mỗi ngày từ 3 đến 4 lần, kiên trì 1 tuần thì bệnh sẽ khỏi (lưu ý không được nuốt).
Bên cạnh đó, đối với bệnh bệnh viêm da, da sần sùi thì bạn cũng có thể dùng nước cốt lá lưỡi hổ để thoa lên (bạn chỉ cần thoa lên da 15 – 20 phút, thấy da khô thì tiếp tục thoa lần khác đến khi hết phần nước cốt đã vắt rồi rửa sạch với nước ấm và lau khô bằng khăn mềm). Trường hợp này chỉ dùng cho da cơ thể thôi, bạn nhé (không dùng cho da mặt).
Ngoài ra, nhờ tính sát khuẩn cao của lá lưỡi hổ mà bạn còn có thể dùng nước cốt của nó để điều trị viêm tai giữa. Sau khi vắt lấy nước cốt của lá lưỡi hổ hòa chút muối, bạn lấy tăm bông thấm rồi se lỗ tai (hoặc chấm vào) để sát khuẩn (mỗi ngày thực hiện từ 2 đến 3 lần).
Lưu ý
Mặc dù cây lưỡi hổ có thể dùng làm thuốc ngoài da nhưng vì nó có độc nên bạn cần chú ý trong quá trình dùng: đựng trong vật chứa riêng biệt, để xa tầm tay trẻ em và không để văng vào thức ăn hay vào mắt nhé!
Và lời khuyên tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng nhé!
Lê Nhi
- Hôi miệng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị, https://www.vinmec.com/vi/benh/hoi-mieng-4872/, ngày truy cập: 11/ 09/ 2021.