Bài thuốc giúp tan máu bầm, điều trị đau nhức xương khớp từ cây ngũ trảo
Về quê ngay lúc dịch COVID -19 bùng phát, tôi phải cách ly tập trung 14 ngày. Mọi người hay nghĩ cách ly là buồn chán “như bị nhốt”, thế nhưng, trải nghiệm cách ly của tôi lại thú vị hơn nhiều vì được học hỏi rất nhiều điều từ những người cùng cách ly.
Cùng phòng cách ly với tôi có một cô từ Đồng Nai về quê như tôi. Cô rất vui tính nên phòng cách ly không bao giờ buồn tẻ. Mỗi lúc ngồi tán gẫu về bệnh (vẫn giữ khoảng cách theo quy định), cô thường kể về các kinh nghiệm dùng thuốc của người xưa.
Điều khiến tôi khâm phục là cô nhớ rất rõ các bài thuốc dân gian. Trong những bài thuốc ấy, tôi thích nhất là bài về cây ngũ trảo vì nhà tôi cũng có cây này.
Sở dĩ, cô nói đến bài thuốc này là vì có một chị cùng phòng cách ly bị đau nhức xương khớp lâu năm. Thế là, cô vừa chỉ cho chị ấy vừa khề khà kể và dặn chúng tôi nhớ chỉ cho những người khác.
Cô kể rằng chính chồng cô là người sử dụng bài thuốc này và thấy hiệu nghiệm thật. Nó vừa giúp tan máu bầm ngoài da (cho chồng cô) lại vừa điều trị đau nhức xương khớp.
Câu chuyện của cô như sau:
“Chị ở trên Đồng Nai, được một người quen giới thiệu về bài thuốc trị đau nhức xương khớp với tích tụ máu bầm. Ban đầu thì chị cũng bán tính bán nghi với công dụng của nó nhưng khi chồng chị chính là người dùng và khỏi bệnh thì chị mới tin. Bởi vậy mới nói cho cô nghe đó.
Đợt đó chồng chị bị té xe, đập mạnh xuống đường và bị trầy xước. Rồi ổng nghĩ không sao nên chỉ ghé trạm y tế băng bó và cũng do bận làm nhiều việc nên không đi khám lại vì nghĩ đó chỉ là vết thương bình thường.
Ai dè, khoảng một tuần thì chỗ đó bắt đầu sưng to và ứ nước lợn cợn trong da, chị nhìn rồi sờ thử mà nổi cả da gà. Lúc đó trong lòng chị nghĩ phải sớm đi bệnh viện chứ để hoài như vậy nhiều khi bị hoại tử. Nghĩ vậy thôi chứ chưa kịp đi thì bà hàng xóm đã chỉ luôn bài thuốc từ cây ngũ trảo.
Ừ thì “có bệnh thì vái tứ phương”, cứ làm thử coi sao, nếu không ổn thì đi bệnh viện luôn. Vậy mà chồng chị đắp thuốc hai lần là khỏi luôn, không cần đi bệnh viện. Mình nghĩ cái cây bình thường như vậy mà hay thật“.
Cách dùng cây ngũ trảo
Cô nói bài thuốc này rất đơn giản, ta chỉ cần thực hiện theo những bước sau:
- Chuẩn bị: 100 g lá ngũ trảo tươi (có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo khu vực da định đắp thuốc), rửa sạch, đâm nhuyễn.
- Sơ chế thuốc: Xào ngũ trảo cùng 1 muỗng canh giấm và một muỗng cafe muối trong vòng 5 phút.
- Đắp thuốc: Sau khi xào, để nguội cho còn khoảng 37 độ C thì đắp trực tiếp lên chỗ tích tụ máu bầm hoặc chỗ đau nhức xương khớp trong 1 đêm, bó lại với độ chặt vừa phải để thuốc không bị rơi ra.
Bài thuốc này chúng ta đắp liên tục từ 2 đến 5 ngày thì máu bầm sẽ tan, dịch mủ từ vết thương hở cũng sẽ được rút ra. Đối với đau nhức xương khớp, có thể duy trì một tuần đắp 3 lần, kiên trì từ 1 đến 2 tháng thì sẽ không còn đau nhức xương khớp nữa (bài thuốc này cũng áp dụng được đối với bệnh gai cột sống).
Cô còn nói với tôi rằng sau khi đắp một đêm thì hôm sau thấy trong hỗn hợp thuốc có chất lợn cợn màu vàng (rút ra) từ chỗ vết thương của chồng cô. Sau đó đắp thêm một hôm nữa là vết thương bắt đầu lành lại.
Vì vậy, nếu không may gặp phải trường hợp tụ máu bầm ngoài da do té ngã như trên thì bạn cứ tham khảo xem nhé! Tuy nhiên, nếu sau vài hôm thấy không khỏi hoặc có dấu hiệu nặng hơn thì bạn hãy đến bệnh viện ngay nhé!
Với trường hợp té ngã, có thể sẽ tụ máu bầm ngoài da và cả bên trong. Riêng trường hợp tụ máu bầm bên trong là rất nguy hiểm, có thể gây lói, nhói, đau tức… và thậm chí tử vong. Do đó, dân gian ta thường uống các vị thuốc, bài thuốc có tính chất “tán ứ”, đánh tan máu bầm từ bên trong và phổ biến nhất, hay nhất là “Trật đả hoàn” (thuốc này là dạng đã bào chế và tiệm thuốc Bắc nào cũng có bán, giá cả cũng phù hợp).
Một số nghiên cứu về cây ngũ trảo
Cây ngũ trảo có tên khoa học là Vitex negundo và được biết đến là loại cây có tiềm năng y học đáng kể. Trong đó, có thể kể đến hai tác dụng sau:
- Tác dụng chống viêm não Nhật Bản: Theo tạp chí Parasitology Research, chiết xuất từ lá cây ngũ trảo có khả năng diệt ấu trùng muỗi Culex tritaeniorhynchus (loại muỗi gây truyền bệnh viêm não Nhật Bản). Mặt khác, cây thuốc này cũng được xem là có tiềm năng làm chất chiết xuất tham gia vào các công thức xua đuổi muỗi (1).
- Tác dụng chống ung thư: Theo tạp chí Process Biochemistry, chiết xuất từ lá ngũ trảo có chứa các hoạt chất giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết dòng HCT15 (3).
Lê Nhi – Tuyết Nhi
- Evaluation of leaf extracts of Vitex negundo L. (Family: Verbenaceae) against larvae of Culex tritaeniorhynchus and repellent activity on adult vector mosquitoes, https://link.springer.com/article/10.1007/s00436-008-1005-5, ngày truy cập: 26/ 07/ 2021.
- Biologically synthesized green silver nanoparticles from leaf extract of Vitex negundo L. induce growth-inhibitory effect on human colon cancer cell line HCT15, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1359511312004540, ngày truy cập: 26/ 07/ 2021.