Ăn mãng cầu xiêm phòng bệnh gì? Món ăn từ quả mãng cầu xiêm xanh
Mùa này cũng là mùa mãng cầu xiêm ở miền Tây. Nhiều trái chín đồng loạt trên cây, thịt vừa bùi vừa thơm đáo để!
Có lẽ hàng ngày, chúng ta đã quen mãng cầu xiêm với món sinh tố, dầm nước đá hay mứt mãng cầu. Tuy nhiên, đó là quả chín. Còn quả sống, thường chúng ta chỉ biết đến cách phơi khô làm trà mãng cầu chứ ít người biết rằng nó còn có thể chế biến thành món ăn.
Và bạn có biết vì sao nhiều người lại thích ăn mãng cầu đến vậy không? Vì khi ăn vào, nó cho người ăn cảm giác rất bổ. Điều quan trọng hơn, sau khi ăn loại quả này, sức khỏe của chúng ta được tăng cường rõ rệt.
Cách chế biến quả mãng cầu xanh (chưa chín) thành món ăn
Với quả mãng cầu xanh (chưa chín) nhưng còn non thì bạn có thể làm trà (nhưng đã nói ở trên).
Còn với quả mãng cầu xanh đã già, cứng (sắp chín) thì bạn có thể chế biến thành món ăn. Những quả này đều đã to nên sẽ không có gì là lãng phí cả.
Thông thường, dân gian hay dùng thịt quả mãng cầu già để xào (thường là xào với tôm hoặc thịt). Trước tiên là sơ chế, đem quả mãng cầu xiêm rửa sạch, gọt bỏ vỏ rồi xắt thành những miếng vừa ăn (lưu ý dùng dao nại hết hạt ra nhé). Xong phần sơ chế, bạn có thể đem xào chung với tôm thịt hoặc trộn gỏi tôm thịt tùy thích. Món này lạ miệng nên siêu bắt cơm!.
Quả mãng cầu xiêm chín có thể phòng ngừa những bệnh gì?
Ở quả mãng cầu xiêm chín, các dưỡng chất đến độ “chín muồi” hơn nên giá trị dinh dưỡng và phòng bệnh của nó cũng cao hơn.
Được biết, mãng cầu xiêm chín rất ít calo nhưng lại chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, B1, B2, B3, chất xơ, chất đạm, Ca, P, Mg, K… (3).
Điều quan trọng hơn, ăn mãng cầu xiêm không chỉ để ngon, để khỏe mà còn giúp bạn phòng ngừa một số bệnh mà không cần dùng thuốc! Nghe thật lí tưởng phải không nào!
Theo các tư liệu về thực phẩm và sức khỏe thì ăn mãng cầu xiêm chín sẽ mang đến cho bạn những lợi ích sau:
- Ngăn ngừa bệnh về đường tiết niệu: Vitamin C làm nên vị chua của quả mãng cầu giúp sát khuẩn đường tiết niệu, cải thiện tình trạng tiểu gắt, tiểu buốt (4).
- Hỗ trợ tiêu hóa: Nếu bạn đang gặp các vấn đề về tiêu hóa thì ăn quả mãng cầu xiêm sẽ hỗ trợ tiêu hóa và chống táo bón rất tốt (quả mãng cầu chứa nhiều chất xơ, giúp nhuận trường, tăng co bóp ở ruột và hỗ trợ ruột tống đi các chất bẩn) (4).
- Cải thiện tình trạng chuột rút: Nếu bạn hay bị chuột rút chân vào ban đêm – triệu chứng của thiếu hụt Kaki thì quả mãng cầu xiêm sẽ giúp cải thiện tình trạng này (vì quả này có chứa nhiều Kali).
- Tăng cường năng lượng, cải thiện tình trạng mệt mỏi: Quả mãng cầu xiêm chứa nhiều vitamin C và Magan nên hỗ trợ cơ thể chuyển hóa chất béo, giúp bạn bớt trì trệ, năng động và đầy năng lượng hơn (3).
- Chống loãng xương, giúp răng khỏe mạnh: Quả mãng cầu còn chứa nhiều Đồng, Phốt pho, Canxi, Kẽm – những khoáng chất rất cần thiết cho xương và răng (3).
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Trong mãng cầu xiêm chứa nhiều Kali và Magie – những chất đóng vai trò quan trọng giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch (3).
Cách dùng: Với quả mãng cầu xiêm chín thì bạn có nhiều cách dùng hơn: ăn trực tiếp, ướp lạnh rồi ăn, làm sinh tố, làm kem, làm mứt…
Những lưu ý khi sử dụng
Liều lượng ăn mỗi ngày: Mỗi ngày, bạn chỉ nên ăn khoảng 100 g quả.
Đối tượng cần lưu ý:
- Người huyết áp thấp, hay bị tụt huyết áp không nên ăn.
- Người có vấn đề thần kinh cũng không nên ăn.
- Các bà bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn vì chưa có nghiên cứu cho thấy sự an toàn của mãng cầu xiêm đối với bà bầu.
- Người bị tiểu đường đang dùng thuốc cũng không nên ăn (để tránh tương tác thuốc).
- Người đang mắc bệnh gan hoặc thận, nếu dùng mãng cầu xiêm quá nhiều cũng có thể dẫn đến nhiễm độc gan hoặc thận.
- Người có lượng tiểu cầu trong máu thấp cũng không nên ăn loại quả này (3)(4).
Thông tin thêm
Chữ xiêm trong tên gọi “mãng cầu xiêm” được lấy từ “Xiêm La” (tức Thái Lan ngày nay). Sở dĩ lấy tên như vậy là vì Thái Lan là nước trung gian du nhập cây giống mãng cầu xiêm vào nước ta. Ngoài ra, gọi như thế còn để phân biệt mãng cầu xiêm với mãng cầu ta (tức cây na, loại cho quả tròn, nhỏ, dai và ngọt) (1).
Trong dân gian, có nhiều bài thuốc hay từ các bộ phận khác của cây mãng cầu xiêm như: Lá mãng cầu tươi giã nhỏ, bôi lên vết thương do côn trùng cắn; quả xanh phơi khô, tán bột giúp điều trị kiết lỵ… (2).
Cẩm Vân
- Thử tìm nguồn gốc tên gọi của vài loại thảo mộc ở Việt Nam, http://www.caidinh.com/trangluu/vanhoaxahoi/vanhoa/thutimnguongoctengoi.htm, ngày truy cập 06/ 08/ 2021.
- 3033 cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh, trang 645.
- Health Benefits of Soursop, https://www.webmd.com/food-recipes/health-benefits-soursop, ngày truy cập 06 /8 /2021.
- Mãng cầu xiêm: Cực tốt và cực độc, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn, https://tienphong.vn/mang-cau-xiem-cuc-tot-va-cuc-doc-biet-ma-tranh-keo-an-han-may-cung-muon-post1150383.tpo, ngày truy cập: 10/ 08/ 2021.