Rau răm và kinh nghiệm dân gian điều trị nước ăn chân

Rate this post
Rau răm và kinh nghiệm dân gian điều trị nước ăn chân

Mùa nước nổi là mùa của những con nước đổ từ thượng nguồn sông Mekong về hạ nguồn sông Tiền, mang theo vô vàn phù sa màu mỡ. Mùa nước nổi tháng 7, tháng 8 âm lịch cũng là mùa mang lại nguồn lợi thuỷ sản dồi dào cho bà con miền Tây.

Thế nhưng, đặc tính ẩm ướt của thời tiết và tình trạng phải tiếp xúc với nước trong thời gian dài thường khiến cho nhiều người dân miền Tây bị nước ăn chân (nấm kẽ chân).

Vì vậy, nhiều năm qua, trong dân gian luôn tồn tại những phương thức điều trị nước ăn chân bằng các thảo dược dân dã, trong đó có rau răm.

Rau răm và hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm

Rau răm không chỉ là loại rau gia vị thông thường mà còn được ứng dụng vào các bài thuốc trong Đông y, với vai trò là một dược liệu quý đối với các bệnh về đường tiêu hoá (như lạnh bụng, khó tiêu…).

Rau răm và kinh nghiệm dân gian điều trị nước ăn chân

Rau răm

Đặc biệt, nhờ vào hoạt tính kháng nấm và kháng khuẩn cao mà rau răm còn được dùng để sát trùng, điều trị nấm kẽ chân (nước ăn chân) (1) (2).

Cách dùng rau răm điều trị nước ăn chân

Bạn lấy một ít lá rau răm, ngâm với nước muối loãng trong 10 phút rồi rửa lại với nước cho thật sạch. Sau đó, cắt hoặc xé nhỏ rau răm rồi cho vào cối giã nhuyễn (có thể cho thêm ít nước để giã nhuyễn). Giã nhuyễn xong, bạn dùng hỗn hợp rau răm đã giã đắp lên các vùng da bị nước ăn rồi thư giãn trong 30 phút và rửa lại với nước muối loãng.

Rau răm và kinh nghiệm dân gian điều trị nước ăn chân

Nước ăn chân

Với những vùng da chân bị nhiễm nấm và khó đắp bã thuốc vào thì bạn có thể vắt lấy nước rồi thoa nhẹ nhàng lên các vùng da đó, cũng đợi 20 đến 30 phút cho thuốc khô rồi rửa lại với nước muối loãng.

Số lần dùng: Với bài thuốc này, bạn dùng 2 lần mỗi ngày, kiên trì từ 3 đến 5 ngày là sẽ thấy hiệu quả.

Một vài lưu ý khi sử dụng bài thuốc này:

  • Tùy theo tình trạng vùng da bị nhiễm nấm rộng hay hẹp mà bạn gia giảm liều lượng rau răm cho phù hợp.
  • Giữ cho vùng da nhiễm nấm luôn khô ráo để tránh trường hợp bệnh trầm trọng hơn. Với những người do tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nước thì nên mang giày bảo hộ và phải rửa sạch chân bằng nước muối (hoặc xà phòng sát khuẩn) sau đó.
  • Không gãi các vết thương và tránh sử dụng giày, vớ ẩm ướt.
  • Nếu dùng rau răm vài ngày mà không khỏi thì bạn có thể nhai nát một ít gạo rồi thoa lên, mỗi ngày thoa 3 – 4 lần. Sau 1 – 2 ngày, nếu thấy bệnh vẫn không giảm (không bớt ngứa, bớt lở) thì bạn nên đến trung tâm y tế để được hướng dẫn điều trị thêm nhé!

Rau răm trong ẩm thực

Bạn biết không, rau răm còn có một cái tên khá mỹ miều đó là “thuỷ liễu” (nghĩa là cây liễu nước) và là loại rau gia vị được sử dụng phổ biến trong các món ăn từ dân dã đến cầu kỳ.

Rau răm và kinh nghiệm dân gian điều trị nước ăn chân

Gỏi gà rau răm

Nội tôi mỗi khi chế biến các món gỏi thịt gia cầm như gỏi gà, gỏi vịt thì luôn cho vào một ít rau răm để tăng thêm hương vị đặc trưng cho món gỏi miền Tây.

Và với hầu hết mọi người thì món trứng vịt lộn cũng không thể thiếu rau răm. Thói quen dùng rau răm chung với trứng vịt lộn hay các món gỏi (nộm) cùng với thịt gia cầm không đơn thuần chỉ để giảm tanh, thơm miệng hay tăng thêm hương vị mà còn để dễ dàng tiêu hoá (vì các món ăn này thường rất bổ, giàu đạm nên cũng rất khó tiêu).

Kim Lụa

Nguồn tham khảo
  1. Antibacterial and Antifungal Properties of persicaria odorata Leaf Against Pathogenic Bacteria and Fungi, https://www.semanticscholar.org/paper/Antibacterial-and-Antifungal-Properties-of-odorata-Pauzi-Aini/7726841f52fa939d149568a5dc7a5134c55e299b, ngày truy cập: 01/ 09/ 2021.

  2. Antibacterial activity of the essential oil from Persicaria odorata leaves, https://agris.fao.org/agris-search/search.do?recordID=TH2016001804, ngày truy cập: 01/ 09/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button