Điều trị chảy nước miếng, đái dầm trong lúc ngủ bằng khoai lang, bông hẹ
Chảy nước miếng hay đái dầm trong lúc ngủ là những “tật xấu”, không chỉ khiến bản thân “xấu hổ” mà còn ảnh hưởng đến người ngủ cùng.
Hơn thế nữa, đây còn là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có vấn đề. Vậy, làm thế nào để điều trị dứt điểm hai “tật xấu” này trong lúc ngủ?
Hết chảy nước miếng trong lúc ngủ bằng khoai lang
Trong một lần đi mua nệm tại cửa hàng bán chăn, nệm, gối…, tôi được biết đến bài thuốc này. Bà chủ bảo chị khách trẻ: “Tao để ý thấy một tháng mà mày mua áo gối 3 – 4 lần, xài gì hao dữ vậy, bị bệnh ở sạch hay bệnh gì nói đi chứ tao bán thì muốn mày mua nhiều rồi đó, nhưng mà bị gì thì nói, biết đâu tao có cách”.
Đến khi chị khách trẻ trả lời, tôi và bà đều không thể nhịn cười. Thì ra, chồng chị thường xuyên chảy nước miếng trong lúc ngủ và còn chảy rất nhiều nữa. Chị giặt mãi, có khi mệt quá thì bỏ cái áo gối đó luôn.
Bà chủ nghe xong liền bảo: Bệnh này dễ ẹc chứ có khó gì đâu. Mày chỉ cần kêu nó ăn khoai lang, ngày nào cũng ăn thì sẽ hết thôi. Thấy nó đơn giản vậy mà nó hay đó.
Được lời, tôi hỏi thêm thì được biết mỗi ngày chỉ nên ăn một lượng vừa đủ, ăn chậm nhai kỹ, tầm 150 g khoai lang luộc (chia làm 3 lần ăn mỗi ngày).
Cách ăn này, bạn chọn khoai lang nào cũng được và thường thì dùng khoảng 1 tuần sẽ thấy hiệu quả.
Vì sao khoai lang có thể cải thiện chứng chảy nước miếng khi ngủ?
Được biết, sở dĩ người bệnh bị chảy nước miếng trong lúc ngủ là do ăn quá no vào buổi tối, do ăn nhiều gia vị cay, do rối loạn tiêu hóa – tuyến nước bọt, rối loạn giấc ngủ hoặc căng thẳng thần kinh… (1).
Trong khi đó, lượng đường có trong củ khoai lang có thể giúp cân bằng và ổn định các dây thần kinh, đồng thời, khoai lang còn là món ăn “bổ tỳ”, giúp hệ tiêu hóa khỏe hơn. Vì vậy, ăn khoai lang với lượng vừa phải sẽ giúp các tuyến nước bọt hoạt động đúng cách hơn và cải thiện chứng chảy nước miếng khi ngủ.
Mặt khác, khoai lang còn giúp hệ tiêu hoá của bạn hoạt động trơn tru hơn, giúp nhuận tràng và cải thiện táo bón. Đặc biệt, lượng chất xơ cùng với các hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa (có trong khoai lang) còn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột một cách tốt nhất (2).
Bài thuốc dân gian điều trị chứng đái dầm trong lúc ngủ
Dân gian quê tôi còn có nhiều bài thuốc điều trị tiểu dầm trong lúc ngủ, kể cả dùng mẹo vặt lẫn các vị thuốc thực thụ.
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ xin giới thiệu bài thuốc mà nhiều người biết đến hơn, đó là dùng bông hẹ. Bài thuốc này không chỉ người nhà tôi biết mà bà chủ tiệm chăn ga nệm trong câu chuyện trên cũng biết (vì con trai bà chính là người đã từng dùng qua, sau 1 tuần thì đã cải thiện rõ rệt và dần dần hết hẳn).
Cách thực hiện: Bạn lấy 25 g bông hẹ tươi, ngâm sơ qua nước muối loãng rồi rửa lại với nước cho thật sạch.
Sau đó, bạn cắt bông hẹ thành từng đoạn ngắn tầm 3 cm rồi cho vào một cái tô vừa phải, đổ thêm 1 chén nước (hoặc đổ nước cho xem xép phần bông hẹ là được) rồi cho thêm một ít đường phèn (viên đường phèn khoảng bằng đầu ngón tay cái).
Tiếp theo, bạn để tô bông hẹ vào nồi, hấp cho đến khi nghe tiếng nước trong nồi sôi ục ục thì đem xuống (hấp khoảng 30 phút), chắt lấy nước (bỏ xác).
Cách dùng: Nếu là trẻ em thì chia phần nước thuốc đó ra 2 lần, uống vào buổi sáng và chiều trong ngày. Nếu là người lớn thì uống hết phần nước thuốc đó trong buổi sáng, đến chiều thì lấy thêm bông hẹ và thực hiện bài thuốc thêm lần nữa.
Lưu ý:
- Không nên dùng quá nhiều bông hẹ vì sẽ dễ bị đau dạ dày (theo kinh nghiệm dân gian).
- Người bị âm suy, nóng nhiệt và bị bệnh về mắt cũng không nên dùng bông hẹ (3).
Kim Lụa
- Nguyên nhân chảy nước dãi khi ngủ, https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-chay-nuoc-dai-khi-ngu-169158851.htm, ngày truy cập: 14/ 08/ 2021.
- Ăn khoai lang nhiều có tốt không?, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/an-khoai-lang-nhieu-co-tot-khong/, ngày truy cập: 14/ 08/ 2021.
- Các món ăn từ bông hẹ (hoa hẹ) giúp bổ thận tráng dương, https://caythuoc.org/cac-mon-an-tu-bong-he-hoa-he-giup-bo-than-trang-duong.html, ngày truy cập: 14/ 08/ 2021.