Cây trà tiên lá dứa, công dụng và cách dùng
Hôm nay dậy sớm, tôi pha cho mình chén “trà tiên”. Nghe đến trà tiên, người ta có thể liên tưởng đến một loại trà nào đó với phong cách tao nhã thoát tục và mùi hương nhẹ nhàng. Vâng, trà mà tôi pha được làm từ cây trà tiên lá dứa, cụ thể là lá của cây. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì lá của nó có mùi lá dứa rất đậm, đậm hơn cả lá dứa (lá nếp) mà chúng ta vẫn hay dùng làm màu xanh dứa.
Với cây trà tiên lá dứa, bạn có thể dùng lá tươi hoặc lá khô để làm trà uống. Để chén trà ngon hơn, bạn nên chọn những lá non và ngọn non.
Trà tiên lá dứa là cây gì?
Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy cây trà tiên lá dứa giống một loại rau cỏ mọc hoang dại. Nếu chưa từng biết qua, có thể bạn sẽ không tin rằng nó lại mang trong mình mùi hương đặc biệt đến vậy.
Cây trà tiên có lá trơn nhẵn, phiến lá hơi có đốm vàng. Lá giòn, dễ gãy và khi bẻ ngang thì kêu tách tách.
Cách dùng và công dụng của lá trà tiên
Nếu bạn có trồng trà tiên lá dứa hoặc mua được lá tươi thì bạn có thể làm trà để uống hàng ngày. Trà này phù hợp với nhiều người và không khác gì trà lá dứa. Tuy nhiên, trà tiên lá dứa mang lại hương vị đậm đà hơn, rõ rệt hơn. Nếu bạn là một người yêu thích trà đạo thì đừng bỏ qua loại cây này nhé!
Cách thực hiện:
Cách 1 (dùng tươi): Hái vài lá trà tiên tươi (khoảng 4 lá), cho vào ly và đổ nước sôi vào. Sau 3 phút, bạn đổ nước ấy bỏ (vì lần nước đầu tiên sẽ có mùi hơi hăng, hơi khó uống). Sau đó, bạn đổ nước sôi vào để có nước trà chính thức. Lúc này, ly trà sẽ có mùi hương rất dễ chịu. Bạn uống xong thì bạn có thể đổ thêm nước sôi vào để uống thêm nước thứ ba, thứ tư… Nhìn chung, nếu bạn dùng để uống hàng ngày như trà thì bạn chỉ cần dùng 3 đến 4 lá tươi là được. Nếu là mùa lạnh thì bạn nên uống ấm (dù uống lạnh cũng rất ngon).
Cách 2 (dùng khô): Nếu bạn muốn dùng ở dạng lá khô thì bạn có thể phơi khô, mỗi lần dùng thì cũng lấy 3 hoặc 4 lá và pha với nước sôi (tương tự như cách dùng lá tươi).
Thông tin thêm về trà ướp hương trà tiên lá dứa
Bạn biết đấy, từ lâu, dân gian đã có truyền thống làm trà ướp hương với các hương liệu tự nhiên như hoa nhài, hoa sen, hoa ngâu, hoa sói… ngoài ra còn có trà tiên.
Trước đây, nguồn hương liệu này được trồng rất nhiều nhưng giờ đây, diện tích trồng hoa nhài, hoa ngâu, trà tiên lá dứa… đã bị thu hẹp vì nhiều nhà sản xuất đã dùng hương liệu tổng hợp.
Tuy nhiên, nhiều người uống trà “sành điệu” hoặc những người yêu thích trà… vẫn săn tìm các loại trà được ướp tự nhiên từ hương hoa cỏ.
Cây trà tiên lá dứa có khó trồng không?
Cây trà tiên lá dứa rất dễ trồng và dễ chăm sóc nếu bạn biết được đặc tính của nó.
Thứ nhất, cây trà tiên lá dứa thích ánh nắng nhẹ, không gian mát, vì vậy, nếu bạn trồng nó dưới giàn bầu, giàn bí hoặc có che phủ một tấm lưới mỏng (để bớt nắng) thì nó sẽ phát triển rất nhanh.
Thứ hai, cây trà tiên thích đất hỗn hợp bao gồm đất, vỏ trấu, xơ dừa, phân rơm mục…
Thứ ba, cây trà tiên thích độ ẩm cao, tưới nước đủ. Vì vậy, dù bạn trồng ở nơi râm mát thì cũng nên tưới nước cho cây nhé!
Cách để lá trà tiên xanh mướt, không bị đốm vàng
Thật ra, lá trà tiên có đốm vàng không phải do sâu bệnh mà do ánh sáng: những cây trồng ngoài nắng thì lá sẽ có màu xanh pha đốm vàng, những cây trồng trong mát thì lá ít bị đốm vàng và có màu xanh đậm đẹp mắt.
Hơn nữa, nếu bạn trồng trong mát (ít ánh sáng) thì cũng giúp giảm nguy cơ bị nhện đỏ trên cây trà tiên.
Cuối cùng, bạn có thể nhân giống cây trà tiên bằng cách giâm cành (nên chọn những cành già, tốt nhất là những cành có rễ sẵn, sau đó cắt ra, ngắt bỏ bớt lá rồi ghim vào bầu đất, tưới nước đầy đủ).
Xem thêm: Hạt trà tiên (hạt é), công dụng và lưu ý khi dùng