Cách dùng cây bòng bong và nước cốt dừa để giải độc ong chích (ong đốt)
Bạn bị ong chích (ong đốt) bao giờ chưa? Hy vọng là bạn chưa bị.
Và nếu bạn đã từng bị ong chích thì ắt hẳn, bạn cũng biết được cảm giác đó như thế nào rồi!
Có những loài ong chích chỉ đau thôi nhưng có loài thì sưng và có loài thì vừa đau, vừa sưng, vừa ngứa.
Thậm chí, có khi vết chích làm độc, hành đến sốt, suy hô hấp, rối loạn đông máu, phải vào bệnh viện cấp cứu và thậm chí tử vong.
Dân gian có mẹo giải độc ong chích như sau:
Sau khi bị ong chích, ta tìm xem con ong còn để lại kim không thì nhổ ra, sau đó lấy ngay một cây dao yếm, dùng lưỡi dao liếc qua vết ong đốt.
Cụ thể như sau: bạn đặt lưỡi dao lên da (gần vết ong chích), để cây dao nằm ngang, áp vào da rồi vừa kéo vừa đè xuống (giống như cách chúng ta mài liếc lưỡi dao cho bén vậy), kéo chầm chậm. Mỗi lần bạn kéo qua vết ong chích rồi nghiêng mặt dao lại (để kéo ngược lại) thì tính là 1 lần. Với nữ thì làm 9 lần như thế, với nam thì làm 7 lần.
Theo lý giải của dân gian thì làm như thế sẽ giúp tan nọc của ong (vì nọc ong kỵ với dao yếm).
Sau bước sơ cứu trên thì ta cần thoa dầu hoặc đắp thuốc thêm.
Tuy nhiên, khi bị ong chích nhiều, khiến cho khó thở hay có các dấu hiệu nguy hiểm thì ta cần đưa ngay đến trạm xá hoặc bệnh viện. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị ong đốt đã tử vong vì ỷ lại, không đi cấp cứu kịp thời.
Cách dùng lá bòng bong để sơ cứu khi bị ong chích
Tuỳ vào từng loài ong mà nọc độc ít hay nhiều. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nọc độc sẽ gây ảnh hưởng đến thận, phổi… thậm chí là dẫn đến tử vong. Do đó, trang bị cho bản thân và gia đình cách cấp cứu tức thời khi bị ong đốt (trước khi đưa đến trạm y tế gần nhất) là điều rất cần thiết.
Trong số các cây thuốc giúp giải độc ong chích (ong đốt) thì có thể kể đến dây bòng bong, hay còn gọi là hải kim sa. Đây là loại thực vật thân leo, mọc hoang trong các bụi rậm. Ngoài ra, một số người cũng trồng cây này trong nhà dưới dạng cây cảnh để tạo không gian xanh mát.
Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại cho ông tôi thì cây này có thể dùng khi bị ong chích.
Cách dùng như sau: lấy một nắm lá bòng bong rửa sạch rồi cho vào cối và hoà cùng một ít nước, sau đó giã nát nhuyễn. Tiếp theo, lấy xác thuốc đắp lên vùng da bị ong chích. Trong trường hợp quá khẩn cấp, bạn có thể rửa sạch lá rồi cho vào miệng nhai nát, sau đó lấy xác thuốc đắp vào các vết ong chích.
Ghi chú: Nếu khó đắp phần xác thuốc thì bạn có thể thoa phần nước thuốc lên cũng được.
Cách dùng nước cốt dừa sơ cứu khi bị ong chích
Ông tôi bào: để cấp cứu ong đốt hiệu quả, ngăn không cho các chất độc lan sâu vào cơ thể thì phải kết hợp giữa việc “bôi ngoài và cả uống trong”. Bôi ngoài thì đã có bòng bong (hải kim sa) còn uống trong thì cần uống nước cốt dừa.
Cách thực hiện như sau: nạo lấy một ít cơm dừa khô, trộn với một ít nước rồi nhồi, sau đó vắt lấy nước cốt và cho bệnh nhân uống ngay.
Liều lượng:
- Người lớn: dùng khoảng ⅓ chén (loại chén ăn cơm thường ngày)
- Trẻ em: dùng khoảng ¼ chén (loại chén ăn cơm thường ngày).
Số lần dùng: uống ngay sau khi bị ong đốt rồi đến cơ sở y tế để chẩn đoán thêm (sau 30 phút, nếu chưa đến cơ sở y tế kịp thời thì tiếp tục dùng với liều lượng như trên).
Một số lưu ý sau khi bị ong đốt
- Cần ra khỏi khu vực có ong ngay lập tức, giữ bình tĩnh.
- Khều nhẹ hoặc dùng cây gắp để gắp phần kim của ong để lại trên da (nếu còn).
- Tránh bóp, nặn ép bằng tay vì có thể khiến nọc độc dễ dàng lan ra.
- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước ấm để khử bớt nọc độc (không rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh vì sẽ làm nọc độc dễ khuếch tán ra những vùng khác trong cơ thể).
- Khi đi rừng hay những khu vực có ong trú ẩn thì không nên mặc quần áo quá sặc sỡ và cũng không nên dùng nước hoa (để tránh thu hút ong đến và gây nguy hiểm cho chính mình).
Kim Lụa