Bướm bạc quả nang điều trị viêm amidan, lao nhiệt nóng âm trong xương

Rate this post
Bướm bạc quả nang điều trị viêm amidan, lao nhiệt nóng âm trong xương

Ngoài cây bướm bạc thì nước ta còn có cây bướm bạc quả nang, bướm bạc mòn, bướm bạc Rehder, bướm bạc Sài Gòn…

Trong đó, cây bướm bạc quả nang là loại được lương y Lê Trần Đức giới thiệu trong các ghi chép y học của mình. Đây cũng là loài cây có hình dáng đẹp, thơ mộng với những chiếc lá màu trắng ở ngọn, trông như những con bướm bạc chấp chới bay.

Vậy, cây này có đặc điểm gì và có thể điều trị các bệnh gì, cách dùng như thế nào?

Cây bướm bạc quả nang là cây gì?

Cây bướm bạc quả nang còn được gọi là cây hồ điệp hay cây bươm bướm (khác với hoa bướm). Cây có tên khoa học là Mussaen-da dehiscens (1).

Bướm bạc quả nang điều trị viêm amidan, lao nhiệt nóng âm trong xương

Cây bướm bạc quả nang

Đặc điểm: thân gỗ nhỡ, cao không quá 3 m, lá dài từ 10 – 18 cm và có lông cứng ở mặt trên, lông mềm ở mặt dưới. Hoa của cây mọc thành cụm dạng ngù, bao gồm nhiều xim bò cạp và có màu vàng. Quả của cây thuộc dạng quả nang, có lá đài dài 0,6 cm và chứa nhiều hạt nhỏ bên trong.

Ở nước ta, cây này mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc (ngoài ra, ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có) (1).

Bướm bạc quả nang điều trị viêm amidan, lao nhiệt nóng âm trong xương

Bướm bạc quả nang

Công dụng làm thuốc của cây bướm bạc quả nang

Dân gian dùng nhiều bộ phận của cây như rễ, thân và vỏ cây để làm thuốc. Cụ thể như sau:

1. Điều trị sưng amidan ho sốt

  • Chuẩn bị: 30 g rễ cây bướm bạc quả nang, 10 g rễ cây bọ mẩy và 20 g huyền sâm.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày 1 thang (1).

2. Điều trị lao nhiệt nóng âm trong xương

  • Chuẩn bị: một nắm rễ cây bướm bạc quả nang.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (1).

3. Điều trị sốt vào mùa hè đến mức hôn mê, táo bón, khô khát, tiểu sỏn và tân dịch khô kiệt

  • Chuẩn bị: 60 g rễ cây bướm bạc quả nang và 20 g hành tăm.
  • Thực hiện: Lấy hai vị trên sao vàng từng loại rồi sắc lấy nước uống (thường thì uống xong 1 thang như thế sẽ thấy đại tiện và tiểu tiện đều thông lợi, hết sốt, cổ họng nuốt dễ hơn; uống xong thang thứ 2 sẽ hết hôn mê; uống xong thang thứ 3 thì hạ sốt, ăn uống bình thường trở lại) (1).

Phân biệt

Cây bướm bạc quả nang được nói đến trong bài viết này khác với:

  • Cây bướm bạc (Mussaenda pubescens): Quả của cây bướm bạc quả nang có dạng hình nang, lá có lông ở cả 2 mặt còn quả của cây bướm bạc thì hình cầu, lá đôi khi có lông ở mặt dưới. Trong y học cổ truyền, cây bướm bạc thường được dùng với tác dụng giảm niệu bằng cách lấy 30 g thân cây bướm bạc, 30 g mã đề và 60 g dây kim ngân tươi, nấu lấy nước uống.
  • Cây bướm bạc mòn (Mussaenda erosa): Thuộc dạng cây bụi, quả nạc. Thân và lá của cây được dùng làm thuốc điều trị cảm mạo, nhiệt tích (nấu lấy nước uống từ 20 – 45 g dạng tươi).
  • Cây bướm bạc nhẵn (Mussaenda glabra): Thân cây thuộc dạng cây nhỡ, cành tròn và có lóng dài, lá không có lông. Ở Ấn Độ, lá cây bướm bạc nhẵn được dùng để ăn trầu chung với lá trầu không (tuy nhiên, ngày nay tục lệ ăn trầu được khuyên nên bãi bỏ vì ảnh hưởng đến sức khỏe).
  • Cây bướm bạc Rehder (Mussaenda rehderiana): Cây thuộc dạng thân nhỡ, lá có lông nhung ở mặt trên và có lông mềm ở mặt dưới (đặc biệt là ở chỗ gân lá). Lá cây được dân gian giã ra và đắp khi bị sốt (1).

Nhìn chung, trên thế giới, cây bướm bạc quả nang chưa được nghiên cứu nhiều. Ở nước ta, cây cũng chưa được ứng dụng nhiều (có lẽ cũng vì sự kém phổ biến). Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, chúng ta thấy được rằng mỗi loài cây đều có công dụng riêng của nó và chỉ cần biết cách khai thác thì chúng ta sẽ có nguồn dược liệu khổng lồ.

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 275.
  2. Cây bướm bạc điều trị ho, phong tê thấp cực hay, https://caythuoc.org/cay-buom-bac.html, ngày truy cập: 29/ 06/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button