Bạch đậu khấu điều trị đau bụng do nhiễm lạnh, sáng ăn tối nôn mửa
Hồng đậu khấu, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu… là những cái tên rất trịnh trọng, phải không?
Nhục đậu khấu là nhân hạt của quả nhục đậu khấu, hồng đậu khấu là quả của cây riềng nếp. Còn bạch đậu khấu (白豆蔻 ), nó là gì?
Vâng, nó là quả của cây bạch đậu khấu, một loại cây thân thảo có tên khoa học là Amomum testaceum (khi dùng làm thuốc thì chỉ dùng hạt).
Vài nét về cây bạch đậu khấu
Cây bạch đậu khấu mọc thành bụi như bụi gừng nhưng cao hơn và phiến lá cũng hẹp hơn (có khi thân cây cao đến 3 m, lá dài đến 35 cm).
Lá bạch đậu khấu có cuống lá ngắn và có điểm tuyến. Hoa của cây có màu vàng và quả của cây có màu vàng kim, hình tròn, chứa các hạt hình tròn hơi dẹt.
Ở nước ta, cây bạch đậu khấu được tìm thấy ở An Giang và quả của nó được dùng làm thuốc.
Công dụng làm thuốc của bạch đậu khấu
Sau 3 năm gieo trồng, người ta sẽ hái quả của cây (chọn những quả đang chuyển từ màu xanh sang vàng xanh) rồi đem phơi khô. Sau đó, lặt bỏ cuống, xông diêm sinh với tỉ lệ phù hợp cho đến khi vỏ quả dần trắng ra.
Bộ phận dùng: hạt (khi dùng thì bóc bỏ vỏ quả).
Được biết, hạt bạch đậu khấu có chứa một lượng tinh dầu đáng kể (khoảng 2,4 %) nên có mùi thơm và có vị cay, tính ấm.
Trong dân gian, nó được dùng với nhiều công dụng như:
Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 4 – 8 g hạt bạch đậu khấu, sắc lấy nước uống hoặc tán bột uống (nếu tán bột thì chỉ dùng 2 g mỗi ngày).
Với trường hợp cảm thấy lợm giọng, muốn nôn mửa thì có thể lấy hạt bạch đậu khấu, nhấm nhấm một ít rồi nuốt lấy nước ấy (1).
Lưu ý khi dùng
Thuốc có tính ấm nên chỉ hợp với một số bệnh do hàn gây ra. Vì vậy, nếu bị nôn mửa và đau bụng mà do hỏa uất sinh ra thì không nên dùng. Ngoài ra, người đang bị các bệnh do nhiệt cũng không nên dùng (3) (4).
Các nghiên cứu về cây bạch đậu khấu
Trên thế giới, các nghiên cứu về cây bạch đậu khấu vẫn còn khiêm tốn so với các loại thảo dược khác. Trong đó, ta có thể kể đến kết quả phân tích thành phần hóa học của tinh dầu quả bạch đậu khấu vì đây là cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu dược lý tiếp theo. Cụ thể, tinh dầu từ quả bạch đậu khấu chứa các hoạt chất chính là β-pinene (15.9%), 1,8-cineole (12.7%), fenchone (14.9%), tams-pinocarveol (10.9%), myrtenal (12.7%) và myrtenol (16.1%) (2).
Thông tin thêm
Ngoài hạt của cây bạch đậu khấu vừa kể ở trên thì người ta còn dùng hạt của cây tiểu đậu khấu (小豆蔻), hay còn gọi là cây trúc sa, bạch khấu nhân, viên đậu khấu, có tên khoa học là Amomum cardamomun).
Hạt của cây này cũng có tính ấm và được dùng điều trị các bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, thổ nghịch, nôn mửa, chướng bụng do tích trệ, cảm hàn đau bụng, ợ hơi đưa ngược lên, say rượu… và chứng mắt trắng màng mộng (tán bột uống từ 2 – 3 g mỗi ngày hoặc nấu uống từ 3 – 6 g mỗi ngày) (3) (4).
So sánh
Bạch đậu khấu và sa nhân là hai vị thuốc quen thuộc thường được dùng điều trị các bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, bạch đậu khấu thiên về điều trị buồn nôn, tức ngực còn vị thuốc sa nhân thì thiên về điều trị tiêu chảy (4).
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, trang 102.
- Chemical Compositions of the Essential Oil of the Fruits of Amomum testaceum Ridl., https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10412905.2001.9699621, ngày truy cập: 31/ 12/ 2021.
- Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 214.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 19.