Quy trình xuất khẩu nghiêm ngặt của lê Hàn Quốc
Lê Hàn Quốc được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng
Lê là loại trái cây chỉ trồng được ở những nơi đất đai màu mỡ, nhiều nước, nhiều ánh sáng mặt trời, vùng đất sạch sẽ không bị ô nhiễm. Lê Hàn Quốc từ khi nụ quả phát triển thành quả đến khi thu hoạch sẽ được bọc trong bao giấy để đảm bảo an toàn, không bị ô nhiễm từ môi trường hay thuốc trừ sâu hoặc không khí nên an toàn và đảm bảo. Đặc biệt, lê có hàm lượng đường cao, nước trái cây nhiều, tạo cảm giác dai mềm và giòn, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo Y học cổ truyền, lê còn là loại thực phẩm có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, dưỡng huyết, tiêu độc… cho cơ thể. Chính vì vậy, lê Hàn Quốc được người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng.
Theo số liệu thống kê năm 2021, xuất khẩu lê Hàn Quốc đã tăng khoảng 300% về lượng và 449% về giá trị. Và năm 2022, xuất khẩu sẽ lại tiếp tục tăng mạnh. Để có được những kết quả tích cực này, lê Hàn Quốc đã trải qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt trước khi đến tay người tiêu dùng.
Quy trình xuất khẩu nghiêm ngặt
Trước khi xuất khẩu, các nông trại tại Hàn Quốc lựa chọn lê theo bộ tiêu chí được quy định rõ ràng:
Thứ nhất, lê được kiểm tra yếu tố dịch bệnh và chất có hại,vi phạm kiểm dịch. Việc kiểm tra điều kiện kiểm dịch xuất khẩu đối với lê Hàn Quốc được dựa theo bản quy định đã được ký kết giữa chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam.
Thứ hai, tiêu chuẩn chất lượng lê Hàn Quốc sẽ được đánh giá, kiểm tra, phân loại bằng máy dựa trên các tiêu chí: độ cứng, hàm lượng đường, màu sắc, hình dáng, điều kiện vỏ, độ nhẵn, thịt quả… tiếp đến là phân loại dựa trên trọng lượng. Các trái lê đủ điều kiện xuất khẩu đã được tuyển chọn nồng độ đường ưu việt và được đóng gói bằng đệm riêng hoặc trong các khay mềm và đóng thùng để đảm bảo cho khâu vận chuyển không làm ảnh hưởng đến chất lượng của quả lê.
Trước khi lên đường đến với Việt Nam, những thùng lê được bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ từ 8~10°C. Để đảm bảo độ an toàn cho người tiêu dùng, lê sẽ chỉ được bảo quản lạnh từ khi thu hoạch cho đến khi được giao tới tay người tiêu dùng mà không được phép sử dụng bất cứ chất bảo quản có hại nào. Sau quá trình kiểm định bởi cơ quan kiểm dịch và được cấp phép xuất khẩu, những trái lê sẽ được vận chuyển tới Việt Nam và tiếp tục được bảo quản với điều kiện tương tự tại đơn vị phân phối trước khi tới tay người tiêu dùng.
Không chỉ đảm bảo về mặt chất lượng, Chính phủ Hàn Quốc, Hiệp hội nông thủy sản Hàn Quốc và Hiệp hội xuất khẩu lê Hàn Quốc K-PEC còn có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, tránh nguy cơ mua phải lê Hàn Quốc “nhái”, kém chất lượng.
Chuyên gia Hiệp hội xuất khẩu lê Hàn Quốc chia sẻ: “Do lê làm giả lê Hàn Quốc gần như toàn diện từ hộp, mẫu mã, thiết kế, mã QR và được phân phối vào thị trường Việt Nam nên nông trại ở Hàn Quốc, người mua hàng Việt Nam, nhà phân phối và người tiêu dùng là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Người tiêu dùng và nhà phân phối cần đến siêu thị hoặc chợ và kiểm tra xem trên mỗi quả lê có dán tem chống hàng giả hologram (Q code) của Hàn Quốc hay không. Đối với lê Hàn Quốc, khu vực trồng trọt, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và đặc điểm của lê Hàn Quốc luôn được in trên tem. Ngoài ra, hãy kiểm tra tem ở trên hộp, bởi lê Hàn Quốc chính ngạch sẽ có tem của K-PEAR, một thương hiệu chung của lê Hàn Quốc, có dán mã QR và ID lịch sử sản xuất. Đặc biệt, tem hologram này do Tập đoàn sản xuất tiền Hàn Quốc sản xuất và không thể làm giả ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
Sau quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ truy xuất nguồn gốc với chất lượng, những trái lê nhập khẩu chính ngạch sẽ được phân phối tại các siêu thị, các chuỗi cửa hàng nhập khẩu uy tín. Với công nghệ bảo quản tối ưu, người tiêu dùng khi mua lê Hàn Quốc chính ngạch có thể tiếp tục bảo quản lê trong tủ lạnh trong khoảng nhiệt độ từ 4-8°C để ăn trong vài tuần mà vẫn đảm bảo giữ được các chất dinh dưỡng. Hơn nữa, với chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và hàm lượng dinh dưỡng cao, lê Hàn Quốc còn được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn để làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết.
Thế Định