Mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc đủ món thơm ngon, bày biện đẹp mắt
Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, mâm cỗ Tết miền Bắc thường chú trọng hương vị thơm ngon của món ăn, đầy đủ sắc màu tượng trưng bốn mùa trong năm.
Mâm cỗ miền Bắc được bày biện tỉ mỉ, đẹp mắt, tối thiểu cần có 4 bát, 4 đĩa. Điều này tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn hướng. Những gia đình có điều kiện và thời gian thì có thể làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa…
Bốn bát gồm: 1 bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, 1 bát bóng thả, 1 bát miến và 1 bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm 1 bát su hào thái chỉ ninh kỹ, 1 bát chim hầm để nguyên cả con, 1 bát gà tần. Nhiều gia đình giàu có xưa còn bày bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.
Bốn đĩa gồm: 1 đĩa thịt gà luộc, 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa giò lụa, 1 đĩa chả quế. Một số gia đình có thể bày thêm đĩa thịt đông, món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh ở miền Bắc. Các gia đình cũng có thể bày lên mâm cỗ đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán.
Món tráng miệng gồm có: mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho… Mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ giúp mâm cỗ Tết đa dạng, hài hòa.
Mỗi món ăn trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc đều mang hương vị và ý nghĩa riêng.
Trong đó, xôi gấc có màu đỏ tươi tượng trưng cho sự may mắn, niềm vui đầu năm mới.
Bánh chưng nhân đậu xanh, thịt mỡ được bọc bên ngoài là lớp lá dong cùng dây lạt. Bánh có hình vuông vức tượng trưng cho đất cũng như nền nông nghiệp lâu đời của nước ta. Hương vị béo bùi của bánh chưng giúp mâm cơm ngày Tết thêm tròn vị.
Thịt nấu đông là món ăn đặc trưng của Bắc Bộ. Người miền Bắc thường lựa chọn các loại thịt tươi ngon làm món thịt đông. Thịt đông được ninh nhừ từ thịt heo hoặc thịt gà cùng bì lợn. Thịt được bảo quản trong ngăn lạnh, đông lại thành tảng.
Dưa hành là món ăn giúp bạn chống ngán sau khi dùng các món chứa nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
Gà luộc là món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Người miền Bắc thường luộc gà nguyên con để cúng ông bà tổ tiên, sau đó có thể xé hoặc chặt để thưởng thức.
Giò lụa, giò thủ cũng là 2 món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Bắc. Giò lụa được làm từ thịt heo giã nhuyễn vẫn giữ được vị ngọt từ thịt và gia vị, còn giò thủ được làm từ phần thịt của thủ heo.
Canh bóng thập cẩm cũng là món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết miền Bắc. Bóng thả đem nấu với rau củ tạo nên một món canh bổ dưỡng và hấp dẫn đến kỳ lạ. Không quá cầu kỳ, món canh bóng thả thập cẩm vẫn tạo được sức hấp dẫn, giúp mâm cơm ngày Tết thêm phần ngon miệng và đầm ấm.
>>>Văn khấn giao thừa trong nhà và ngoài trời tết Quý Mão năm 2023<<<