Hói đầu có chữa được không?
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hói đầu là tình trạng rụng tóc androgen, một bệnh lý do nhiều gene gây ra, có tính chất di truyền, thường chịu tác động do nội tiết androgen.
Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến ở nam hơn. Theo các nghiên cứu, ở tuổi 70, có khoảng 50% nam giới và 20% nữ giới bị hói đầu.
Hói đầu có 12 gen khác nhau quy định. Nguy cơ bị hói sẽ cao hơn khi có người trong gia đình bị hói đầu. Dấu hiệu bắt đầu là rụng tóc hình chữ M ở rìa chân tóc. Tỷ lệ hói tăng dần theo độ tuổi.
Theo bác sĩ Quân, có 3 kiểu hói đầu xuất hiện ở cả nam và nữ: hói theo chữ M, hói từ giữa lan ra, hói kiểu hình cây thông (lan từ đỉnh đầu đến rìa chân tóc).
Bên cạnh việc rụng tóc do gene gây ra hói đầu, nhiều người cũng gặp tình trạng bị rụng tóc toàn thể. Rụng tóc toàn thể xảy ra do chăm sóc da đầu không đúng cách, tạo kiểu tóc (nhuộm, duỗi, uốn) quá nhiều và liên tục, cột tóc nhiều, da đầu và tóc bị tổn thương…
Căng thẳng và stress cũng là yếu tố thúc đẩy rụng tóc toàn thể. Nếu kiểm soát được căng thẳng, tóc sẽ hồi phục trong 4-6 tháng.
Rụng tóc cũng gặp ở bệnh nhân ung thư phải hóa trị, do hóa chất ức chế nang tóc phát triển và làm rụng tóc hàng loạt. Khoảng vài tuần sau khi kết thúc liệu trình hóa trị, tóc sẽ mọc lại bình thường.
Với tình trạng rụng tóc không do gen, người bệnh có thể đề phòng bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc và tạo kiểu tóc đúng cách, không làm tóc bị tổn thương, điều trị bệnh lý da đầu sớm…
Bác sĩ Quân cho biết, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hói đầu lại ảnh hưởng đến tâm lý và thẩm mỹ. Có nhiều phương pháp điều trị hói đầu như uống và bôi thuốc, laser ánh sáng, truyền huyết tương và tiểu cầu kích thích sợi tóc, cấy tóc.
Cấy tóc là phương pháp có hiệu quả ngay sau khi áp dụng, tuy nhiên phải có chỉ định đúng từ bác sĩ chuyên khoa và chăm sóc đúng cách sau cấy.
Theo bác sĩ Quân, không thể xác định hiệu quả điều trị hói đầu được duy trì trong bao lâu, vì còn phụ thuộc vào từng trường hợp, kỹ thuật. Do đó, người bệnh hói đầu cần được thăm khám và được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hiệu quả tốt nhất.
Khi mắc Covid-19, người bệnh có thể bị rụng tóc do sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng miễn dịch; stress; dinh dưỡng không đảm bảo; vệ sinh da đầu kém…