Trứng vịt, trứng gà, trứng cút và những bài thuốc bất ngờ

Rate this post
Trứng vịt, trứng gà, trứng cút và những bài thuốc bất ngờ

Mình có một đứa em sống ở Sơn Đông (Trung Quốc) và nó thường gọi về, kể cho mình nghe về sở thích dùng trứng gà của người dân nơi đây.

Nó bảo, ngày nó sinh em bé xong, bà con hàng xóm mỗi nhà đều đem qua cho nó một rổ trứng gà và riêng nhà nó thì lúc nào cũng có một rổ trứng gà dán đầy chữ “HỶ” (đã luộc sẵn, dán lên để khách đến thì tặng 1 quả mang về, xem như lấy vận may).

Thế là, ngày nào nó cũng bị bắt phải ăn trứng gà cho bổ. Vì vậy, bây giờ, hễ thấy trứng gà là nó ngán tận cổ. Thế nhưng, có một bài thuốc dùng trứng gà mà thỉnh thoảng nó phải dùng và cảm thấy rất tâm đắc, đó là bồi bổ sức lực.

Thật ra, ở chỗ em mình thì mọi người chủ yếu làm nghề nông, trồng táo, tỏi, ngô, lúa mì,… và một vài cây lương thực khác. Vì vậy, vào mùa thu hoạch, dù phương tiện rất tiện nghi nhưng công theo dõi, vận chuyển, cân bán cũng rất vất vả.

Trứng vịt, trứng gà, trứng cút và những bài thuốc bất ngờ

Trứng gà

Vì vậy, các thanh thiếu niên và các cụ già nơi đây, sau mỗi buổi làm việc kiệt sức là vào ngay nhà bếp, đập hai quả trứng gà vào tô, khuấy đều rồi bắt một nồi nước sôi (cỡ 2 chén nước), đổ trứng gà từ từ vào để tạo thành một món súp, đợi bớt nóng thì uống (một số người cho thêm gia vị để dễ uống hơn). Đây là kinh nghiệm dân gian để phục hồi sức khỏe thể lực một cách nhanh chóng.

Trứng gà và các bài thuốc cổ truyền ở nước ta

Ở nước ta, trứng gà ít được dùng với cách như trên mà thường được biết đến nhiều hơn với tác dụng tẩm bổ (luộc bóc vỏ ăn), đắp mặt nạ hoặc luộc rồi lăn lên các vết thâm bầm.

Trứng vịt, trứng gà, trứng cút và những bài thuốc bất ngờ

Trứng gà luộc

Thế nhưng, bạn có biết không, từ xưa, trứng gà đã được biết đến như một vị thuốc thực thụ và trong Đông y, người ta còn gọi nó bằng nhiều cái tên như kê noãn, kê tử hoặc kê đản.

Ngoài ra, nếu chỉ dùng riêng lòng đỏ trứng gà thì người ta sẽ gọi là “kê tử hoàng” hoặc “kê noãn hoàng” (chữ “hoàng” để chỉ màu vàng của lòng đỏ) còn nếu chỉ dùng riêng lòng trắng trứng gà thì người ta sẽ gọi là “kê tử bạch” hoặc “đản thanh” (chữ “bạch” để chỉ màu trắng của lòng trắng, chữ “thanh” để chỉ phần trong suốt của trứng gà, tức lòng trắng) (1).

Có thể kể đến một số bài thuốc dùng trứng gà như sau:

1. Điều trị khí hư bạch đới

  • Chuẩn bị: 2 cái trứng gà, 15 g lá ngải cứu tươi và 1 chén rượu trắng (chén nhỏ).
  • Thực hiện: Với ngải cứu, bạn rửa sạch, xắt nhỏ rồi rải lên đáy nồi, sau đó đổ rượu vào và đổ trứng vào giữa, nấu bằng lửa nhỏ cho đến khi trứng chín thì ăn trứng và uống nước (mỗi ngày dùng 1 lần vào lúc đói, dùng liên tục 5 ngày) (1).

2. Điều trị bỏng do nước sôi hoặc do lửa

  • Chuẩn bị: 1 cái trứng gà và một cọng lông gà.
  • Thực hiện: đập trứng gà ra, lấy lòng trắng rồi dùng lông gà phết lòng trắng ấy lên chỗ bị bỏng (1).

3. Dùng tẩm bổ sau khi nạo phá thai

Phụ nữ sau khi nạo phá thai rất mất sức, vì vậy, dân gian có bài thuốc sau đây:

  • Chuẩn bị: 2 cái trứng gà (chọn loại trứng đã ấp khoảng 10 ngày) và nửa chén rượu.
  • Thực hiện: lấy 2 trứng gà đập và cho vào nửa chén rượu, sau đó nấu chín và ăn (ăn liên tục 1 tuần) (1).

Trứng cút, trứng vịt và các bài thuốc cổ truyền

Trứng vịt có nhiều chất béo hơn trứng gà, vì vậy, trứng vịt cũng được dùng ăn để tẩm bổ. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm dân gian thì trứng vịt lộn và trứng cút đều có tác dụng bổ dương. Tuy nhiên, vì quá bổ nên chúng thường khó tiêu (do đó, dân gian hay ăn cùng rau răm).

Trứng vịt, trứng gà, trứng cút và những bài thuốc bất ngờ

Trứng vịt

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên ăn trứng vịt lộn. Ngoài ra, trứng vịt nói chung có tính lạnh, vì vậy, nếu ăn nhiều sẽ phát sinh chứng mỏi lưng, khí lạnh và với trẻ nhỏ thì sẽ yếu chân tay.

Ngoài ra, dân gian còn dùng trứng vịt trong các bài thuốc sau:

  • Điều trị tiểu ra máu: lấy 1 cái trứng vịt, luộc chín rồi bóc bỏ vỏ, sau đó cho vào nồi, thêm nước và một nắm vỏ cây vang, luộc lên rồi ăn trứng và chắt nước uống.
  • Dùng trong trường hợp té ngã (nặng): Lấy một cái trứng vịt (đập và chỉ dùng lòng trắng), đánh cho lòng trắng lên bọt (dùng đũa hoặc đồ đánh trứng), sau đó cho thêm chút đường cát, trộn đều rồi húp uống thì sẽ giúp tan máu độc. Tuy nhiên, cách này ngày nay ít được dùng vì nó tanh, khó uống. Thay vào đó, khi bị té và tụ máu bầm thì chúng ta nên đi khám và cần thì dùng thêm “trật đả hoàn” (được bán trong các tiệm thuốc Bắc) để giúp tan máu ứ (1).
Nguồn tham khảo
  1. Vương Thừa Ân, Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày, Nxb Hồng Đức, trang 117 – 121 – 123.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button