Tinh dầu trắc bách diệp (lá thuộc bài) và tác dụng trị liệu

Rate this post
Tinh dầu trắc bách diệp (lá thuộc bài) và tác dụng trị liệu

Hồi ông Nội tôi còn sống, ông hay trồng cây thuốc Nam rồi đem cho các hội bốc thuốc từ thiện. Ông bảo: “cho thuốc người ta thì mình khỏi bệnh”.

Vì vậy, sân trước sân sau của nhà tôi lúc nào cũng như một vườn thuốc Nam vậy. Nào là đinh lăng, nào là xuyên tâm liên, kim tiền thảo, cây râu mèo… và cả cây trắc bách nữa. Thật ra, cái tên này về sau tôi mới biết chứ hồi nhỏ thì gọi nó là cây thuộc bài.

Ngày đó, tôi cũng không biết hết tác dụng của cây này, chỉ thấy mỗi lần bị đứt tay hay bị thương gì đó khiến cho chảy máu thì ông tôi lại bảo hái lá cây trắc bách diệp vò nát rồi đắp vào. Tôi ngớ người một hồi. Mẹ tôi bảo: cây thuộc bài đó! (Gọi là cây thuộc bài là vì dân gian tin rằng chỉ cần hái lá cây, ép vào giữa quyển tập thì sẽ giúp thuộc bài).

Tinh dầu trắc bách diệp (lá thuộc bài) và tác dụng trị liệu

Trắc bách diệp

Cho nên về sau, mỗi khi tôi hay mấy đứa trẻ bị đứt tay, đứt chân là tự động bứt vài lá thuộc bài, vò hoặc nhai cho nát rồi đắp lên, chỉ một chút thôi là máu không chảy nữa.

Tinh dầu trắc bách diệp có công dụng gì?

Tinh dầu trắc bách diệp (chiết xuất từ cành lá cây trắc bách, hay còn gọi là cây thuộc bài) là một trong những loại tinh dầu cao cấp, được dùng làm thành phần nước hoa, nước khử mùi không khí và hỗ trợ làm đẹp – điều trị bệnh.

Được biết, tinh dầu này chứa hơn 34 hợp chất và có tác dụng kháng sinh, kháng khuẩn khá tốt (đối với vi khuẩn Bacillus subtilis) (1).

Tinh dầu trắc bách diệp (lá thuộc bài) và tác dụng trị liệu

Tinh dầu trắc bách diệp

1. Thư giãn tinh thần

Cũng như nhiều loại tinh dầu khác, mùi hương của tinh dầu trắc bách diệp giúp xua đuổi côn trùng và giải tỏa căng thẳng, từ đó giúp tinh thần thư giãn, nhẹ nhàng (có phải vì thế mà ép lá cây trắc bách vào tập thì tâm trí thoải mái hơn, học bài mau thuộc hơn?).

Cách dùng: nhỏ vài giọt tinh dầu vào máy khuếch tán tinh dầu để hương thơm lan tỏa trong nhà (nên đặt ở phòng khách, lâu lâu xông 1 lần, mỗi lần dùng 5 giọt là đủ).

2. Phòng ngừa cảm lạnh

Tinh dầu trắc bách diệp còn được dùng phòng ngừa cảm cúm bằng cách nhỏ 3 – 5 giọt vào thau nước tắm). Nếu đã bị cảm lạnh, bạn cũng có thể xông hơi bằng cách nhỏ 3 – 5 giọt vào thau nước nóng rồi lấy khăn trùm lại và xông như cách xông hơi thông thường.

Tinh dầu trắc bách diệp (lá thuộc bài) và tác dụng trị liệu

Xông hơi

3. Giảm đau mỏi và massage da

Để giảm đau mỏi, bạn có thể nhỏ vài giọt tinh dầu trắc bách diệp vào nửa chén nước ấm (hoặc lượng nước vừa đủ) rồi thoa lên chỗ nhức mỏi, xoa bóp nhẹ nhàng.

Với các chị em phụ nữ, nếu muốn massage thư giãn và chăm sóc da, giúp da săn chắc hơn thì cũng có thể pha tinh dầu trắc bách diệp với dầu nền (như dầu dừa hoặc dầu oliu), sau đó thoa và masssage da nhẹ nhàng (áp dụng cho vùng da lưng, tay…; không được dùng cho da mặt) (2).

Lưu ý khi dùng tinh dầu trắc bách diệp

  • Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai không nên dùng các loại tinh dầu nói chung. Ngoài ra, những người có cơ địa mẫn cảm với tinh dầu cũng không nên dùng.
  • Khi dùng ngoài da: Không thoa trực tiếp tinh dầu lên da vì có thể gây kích ứng da (nên pha loãng bằng cách kết hợp với dầu nền).
  • Không xông tinh dầu trong phòng kín và không dùng quá liều.
  • Tinh dầu này không thể ăn hoặc uống.
  • Với những nhà có trẻ nhỏ thì cần cất trữ ở nơi riêng biệt, tránh để trẻ dùng nhầm (2).

Nguyễn Sen

Nguồn tham khảo
  1. Đinh Ngọc Thức, Nguyễn Thị Hà, Mai Thị Tho, Lê Nguyễn Thành, Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng sinh của tinh dầu cây trắc bách diệp (Platycladus orientalis (L.) Franco), Tạp chí Dược học 2017, số 493, trang 38.
  2. Tinh dầu trắc bách diệp Cypress, https://hakufarm.vn/san-pham/tinh-dau-trac-bach-diep-cypress/, ngày truy cập: 29/ 08/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button