Tác dụng làm thuốc của quả, rễ, lá và hạt hồng bì

Rate this post
Tác dụng làm thuốc của quả, rễ, lá và hạt hồng bì

Ở một số tỉnh miền Bắc nước ta có cây hồng bì, hay còn gọi là quất hồng bì, quả chín màu vàng, vừa ngọt vừa chua; ăn vào giúp long đờm, dễ tiêu và giảm cơn buồn nôn rất tốt.

Không chỉ thế, lá, rễ và hạt của cây cũng được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian khác nhau. Ở nước ta, cây hồng bì còn được gọi là hoàng bì, quất bì… và có tên khoa học là Clausena lansium, thuộc họ Cam (1) (2).

Hồng bì, các công dụng làm thuốc

Quả chín: Có lẽ ít ai biết rằng quả hồng bì chín có tính ấm nên giúp điều trị ho cảm, ho gió rất hay. Mỗi lần dùng, bạn chỉ cần lấy quả chẻ làm hai, đem chưng với đường phèn cho ra nước rồi chắt uống là được.

Tác dụng làm thuốc của quả, rễ, lá và hạt hồng bì

Quả hồng bì chín

Không chỉ thế, loại quả này còn giúp hỗ trợ tiêu hóa nên hợp với những người tiêu hóa kém.

Với trường hợp giun đũa chòi lên thì trước đây, dân gian cũng lấy quả hồng bì chín, nhai ăn cả vỏ. Tuy nhiên, ngày nay thuốc xổ giun vẫn được lựa chọn nhiều hơn vì tính tiện dụng của nó.

Hạt: Hạt hồng bì khá to và cũng được dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, hạt hồng bì có tác dụng điều trị đau bụng do co thắt và đau bao tử (đau dạ dày). Cách dùng như sau: lấy hạt phơi khô, xay nát rồi chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống từ 6 – 10 g bột hạt, ngày uống 2 lần.

: Trước đây, lá hồng bì là một trong những loại lá được dân gian dùng để nấu nước gội đầu (giúp tóc bóng mượt, sạch gàu). Không chỉ thế, theo y học cổ truyền, lá cây còn có tác dụng hạ nhiệt, long đờm nên có thể điều trị cảm mạo, sốt có kèm ho và sốt rét (bằng cách nấu lấy nước uống từ 15 – 30 g mỗi ngày).

Tác dụng làm thuốc của quả, rễ, lá và hạt hồng bì

Lá hồng bì

Rễ: Rễ cây hồng bì có vị đắng cay, tính hơi ấm và được biết đến với công dụng điều trị ho gió, ho cảm (tương tự như quả chín). Cách dùng: nấu lấy nước uống 40 g rễ cây mỗi ngày (2).

Lưu ý: Chưa thấy có báo cáo về tác dụng của cây thuốc này đối với phụ nữ mang thai, vì vậy, cần lưu ý và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Các nghiên cứu về cây hồng bì

  • Hoạt tính chống tăng đường huyết và tăng mỡ máu: Kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường type 2 cho thấy các hợp chất polyphenol trong chiết xuất lá cây hồng bì có tác dụng làm giảm đường huyết lúc đói, bảo vệ gan, cải thiện rối loạn lipid máu và chống tăng lipid máu (3).
  • Hoạt tính chống viêm: Kết quả thí nghiệm cho thấy nhiều hợp chất có trong rễ cây hồng bì (ít nhất 10 hoạt chất) có tác dụng chống viêm tiềm năng (4).
  • Hoạt tính bảo vệ thần kinh: Quả hồng bì có thể ăn được và các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hoạt chất trong quả có tác dụng bảo vệ thần kinh. Vì vậy, thường xuyên dùng quả này một cách phù hợp có thể góp phần ngăn ngừa bệnh Parkinson (5).
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí BioMed Research International, vỏ quả hồng bì có nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa (được xem là nguồn chống oxy hóa tự nhiên và có thể ứng dụng trong ngành dược phẩm) (6).
  • Hoạt tính bảo vệ gan: Kết quả thí nghiệm cho thấy lá cây hồng bì có nhiều hoạt chất giúp làm giảm độc tính trên gan chuột, giúp bảo vệ gan trước các chất gây hại gan được sử dụng trong thí nghiệm (7).

Thông tin thêm

Ở nước ta, ngoài cây hồng bì thì còn có cây hồng bì rừng (có tên khoa học là Clausena anisata và có quả ăn được, vị chua). Theo y học cổ truyền Trung Quốc, rễ cây này có tác dụng điều trị viêm khớp do phong thấp, cảm mạo sốt cao, thủy thũng và đau bao tử (bằng cách nấu lấy nước uống từ 8 – 10 g mỗi ngày theo chỉ định của thầy thuốc) (2).

Nguồn tham khảo
  1. Hồng bì, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93ng_b%C3%AC, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 1148.
  3. Antidiabetic and Lipid-Lowering Effects of the Polyphenol Extracts from the Leaves of Clausena lansium (Lour.) Skeels on Streptozotocin-Induced Type 2 Diabetic Rats, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/1750-3841.14004, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.
  4. Constituents of the Roots of Clausena lansium and Their Potential Anti-inflammatory Activity, https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/np500088u, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.
  5. Carbazole Alkaloids with Potential Neuroprotective Activities from the Fruits of Clausena lansium, https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/acs.jafc.9b00961, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.
  6. Antioxidant and Anticancer Activities of Wampee (Clausena lansium (Lour.) Skeels) Peel, https://www.hindawi.com/journals/bmri/2009/612805/, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.
  7. Hepatoprotective action of nine constituents isolated from the leaves of Clausena lansium in mice, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/(SICI)1098-2299(199610)39:2%3C174::AID-DDR10%3E3.0.CO;2-C, ngày truy cập: 08/ 06/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button