Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Rate this post
Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Hoa hồng thì thỉnh thoảng mới nở một lần, vì vậy, nếu bạn muốn có hương thơm nồng nàn của hoa hồng một cách thường xuyên thì hãy chọn cây phong lữ nhé – loại cho hương hoa hồng.

Vâng, đó là cây phong lữ hoa hồng, nằm trong nhóm phong lữ lá thơm (như phong lữ hương táo, hương cam, hương dứa, hương bạc hà, hương đào…).

Hiện tại, cây phong lữ hoa hồng đang trở thành loại cây gây sốt trên mạng xã hội với nhiều ưu điểm như:

  • Lá thơm mùi hoa hồng nồng nàn, rõ rệt (vuốt nhẹ là thơm vì trên các tuyến lông của lá cây có tinh dầu thơm).
  • Lá có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm, làm săn se và giảm đau.
  • Hương thơm ngọt ngào tự nhiên giúp thông mũi, thư giãn tinh thần và giảm stress.
  • Mùi hương trị liệu, tốt cho người bị rối loạn thần kinh, lo âu, nhức đầu.
  • Là loại cây lành tính, không có độc và phù hợp với nhiều người.
Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Cây phong lữ hoa hồng

Vì vậy, dù lá phong lữ hoa hồng không ăn được nhưng nó vẫn thu hút nhiều người nhờ vẻ ngoài xanh đẹp, hương thơm mùi mẫn và giá trị dược liệu của nó. Không chỉ thế, nó còn được dùng như một loại thảo dược làm đẹp.

Lá cây phong lữ hoa hồng có tác dụng gì?

Cây phong lữ hoa hồng chủ yếu cung cấp lá và tinh dầu từ lá. Hiện nay, tinh dầu phong lữ được bán với giá khá cao. Mặt khác, khi mua, bạn nên hỏi xem tinh dầu đó lá của loại phong lữ nào, cho mùi hương nào nhé (vì có nhiều loại với các mùi hương khác nhau).

Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Tinh dầu phong lữ hoa hồng

Còn với các bạn thích làm đẹp một cách đơn giản và tiết kiệm thì các bạn có thể mua cây phong lữ hoa hồng về trồng. Cây này rất dễ sống ở khí hậu Việt Nam.

Nhìn chung, dân gian thường dùng lá hơn (vì hoa phong lữ rất lâu mới nở, cây chủ yếu cho lá thơm).

1. Làm nước súc miệng, rửa mặt

Nước súc miệng từ lá phong lữ hoa hồng có tác dụng khử mùi, làm thơm miệng và giúp giảm sưng viêm, hỗ trợ người bị viêm amidan.

Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Lá phong lữ hoa hồng làm nước súc miệng

Ngoài ra, nước nấu từ lá phong lữ hoa hồng còn có thể dùng để rửa mặt hàng ngày, giúp làm sạch da mặt và giúp da mặt thoáng hơn, khỏe hơn.

Cách dùng: hái vài lá tươi, rửa sạch rồi nấu với nước, giữ sôi 5 – 7 phút. Sau đó, để nước nguội hoàn toàn rồi dùng nước ấy rửa mặt, súc miệng.

2. Làm nước gội đầu, nước tắm

Với các chị em thích gội đầu bằng dược thảo thì cây phong lữ hoa hồng là một gợi ý sáng giá. Bạn có thể nấu riêng lá cây này hoặc nấu cùng các loại thảo dược khác như lá hoắc hương, lá dâu tằm, cỏ mần trầu, lá bạc hà… Sau khi gội đầu, tóc của bạn sẽ hơi bết rít nhưng da đầu của bạn sẽ rất sạch và khỏe.

Gợi ý: Nếu bạn chưa từng gội đầu bằng nước nấu từ các loài thảo mộc thì ở lần đầu, bạn nên hòa nước ấy với dầu gội mà bạn thường dùng (để da đầu và tóc quen dần). Hoặc sau khi gội nước thảo mộc xong, bạn nên dùng thêm dầu xả ở phần đuôi tóc (dầu xả chỉ nên dùng ở phần đuôi tóc, phần chân tóc và da đầu thì không nên dùng vì sẽ dễ làm da đầu bị gàu, nấm…).

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng lá phong lữ nấu nước để tắm, vừa thơm tho, sạch sẽ, vừa thư giãn cơ thể và giảm các bệnh ngoài da.

Phong lữ hoa hồng, thơm từ lá đến hoa và tác dụng trị liệu

Cây phong lữ hoa hồng của mình, lá có lông mịn, vuốt nhẹ là thơm

3. Dùng pha trà

Nhiều người còn dùng lá phong lữ hoa hồng (tươi hoặc khô) và pha với nước sôi để uống như một loại trà thảo dược. Tuy nhiên, liều lượng dùng chỉ theo kinh nghiệm cá nhân và trà của nó hơi nồng mùi hoa hồng, nhìn chung thì không hấp dẫn như các loại trà thảo mộc khác. Vì vậy, hiện tại thì ít người dùng trà từ loại thảo mộc này.

Một số lưu ý khi trồng cây phong lữ hoa hồng

Ở nước ta, phong lữ hoa hồng là loại cây còn mới lạ với nhiều người và tư liệu về cây này cũng còn ít ỏi.

Sau đây là một số kinh nghiệm mà những người trồng cây đã đúc kết được:

  • Cây thích đất tơi xốp, thoát nước tốt (có thể trồng trong đất pha cát).
  • Cây thích nắng nhẹ (bạn nên trồng ở nơi chỉ nhận ánh nắng buổi sáng thôi nhé). Nếu trồng cây ngoài trời, nắng liên tục buổi trưa thì cây vẫn sống nhưng lá cây sẽ bị vàng. Tốt nhất, bạn nên trồng bên hiên nhà, bên cửa sổ…

Cuối cùng, mặc dù hương phong lữ hoa hồng thơm ngọt và mùi mẫn nhưng nhiều người lại không thích nó (vì họ cũng không thích hương hoa hồng). Mặt khác, một số người có cơ địa dị ứng với hoa cỏ và tinh dầu cũng có thể bị dị ứng với cây này.

Nếu bạn yêu thích hương hoa hồng thì bạn sẽ mê loại cây này vì lá của nó mọi lúc đều thơm. Chỉ cần vài chậu to trồng quanh nhà là ngôi nhà của bạn sẽ xanh mát hơn, thỉnh thoảng thơm nhẹ khi có gió thổi qua và cũng góp phần đuổi muỗi nữa đấy!

Xem thêm: Cách dùng hoa hồng làm đẹp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button