Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Rate this post
Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Lá mơ rừng (mơ trơn) còn được gọi bằng cái tên dân dã là lá thúi địt. Sở dĩ gọi bằng tên này là vì lá tươi của nó có mùi hôi khó ngửi (nếu ngửi không quen). Sau khi làm bánh, nó mới trở thành mùi thơm hấp dẫn.

Với người dân miền quê thì lá thúi địt là loại lá rất hữu dụng. Người ta dùng lá tươi để làm bánh lá và làm thuốc điều trị một số bệnh thường gặp hàng ngày.

Mơ rừng là cây gì?

Mơ rừng là loại dây leo, thường mọc dại khá nhiều sau vườn nhà hoặc bờ ruộng.

Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Lá mơ rừng (mơ trơn)

Với người dân miền Tây thì đây là một loại lá hữu dụng. Nó không chỉ được dùng như một loại rau ăn kèm, rau gia vị mà nó còn là nguyên liệu cho một loại bánh đặc sản đó là bánh lá mơ.

Không những thế, dân gian còn truyền nhau nhiều mẹo dân gian điều trị một số bệnh từ loại lá này.

Phân biệt:

  • Dây mơ rừng được nói đến trong bài viết này là loại dây leo (phổ biến ở miền Nam), khác với cây mơ rừng thân gỗ, cho trái mơ ăn được (phổ biến ở miền Bắc).
  • Ngoài mơ rừng thì ở nước ta còn có dây “mơ lông”. Mơ lông thì phổ biến và dễ tìm hơn. Loại lá này đa phần được sử dụng như một loại rau gia vị hay rau ăn kèm thịt chó, là loại lá khá quen mặt ở cả nông thôn và thành thị.

Lá mơ rừng giúp giảm ho đàm

Đây là phương pháp được truyền tai trong dân gian, nhiều người đã áp dụng và điều trị được chứng ho đàm.

Cách thực hiện rất đơn giản. Bạn chỉ cần hái 7 đến 10 lá mơ rừng (chọn lá già nhé). Sau đó, bạn rửa sạch rồi dùng tay vò nát khi lá mơ còn đọng nước, sau đó vắt lấy nước. Nếu sau khi vò, bạn thấy phần lá mơ vò khô quá, không có nước thì bạn có thể cho vào 1 đến 2 thìa cà phê nước lọc vào rồi vắt nước ấy (cách này để cho những người chưa quen lá mơ dùng dễ hơn vì không phải uống quá nhiều).

Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Lá mơ rừng (mơ trơn)

Hiển nhiên, nếu bạn quen mùi lá mơ thì bạn vẫn có thể cho nhiều nước hơn (vẫn được nhé). Với phần nước lá mơ thu được, bạn cho vào đó 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất, khuấy đều rồi uống. Mỗi ngày, bạn uống 1 đến 2 lần, tùy tình trạng bệnh nặng hay nhẹ (theo chia sẻ kinh nghiệm từ những người đã dùng thì sau 2 đến 3 ngày uống sẽ khỏi bệnh).

Lá mơ rừng giúp trị cảm sốt, hạ sốt

Đây là phương pháp được dùng khá nhiều. Lá mơ rừng được dùng kết hợp trong và ngoài sẽ giúp hạ nhanh cơn cảm sốt.

Cách thực hiện như sau: bạn lấy 1 nắm lá mơ rừng, đem rửa sạch, sau đó chia phần lá mơ đó làm 2 phần bằng nhau. Một phần bạn nấu lấy nước, để còn hơi ấm ấm thì dùng khăn lông sạch, nhúng vào rồi vắt bớt nước ,đắp lên trán người bệnh. Phần còn lại, bạn đem giã nhuyễn rồi cho vào nửa chén nước dừa xiêm, khuấy lên rồi lọc lấy nước cho người bệnh uống.

Cách làm bánh lá mơ rừng luộc

Bạn biết không, ngoài những công dụng trên thì lá mơ còn chứa đựng trong mình nhiều tác dụng quý giá khác như giúp thanh nhiệt cơ thể, làm mát gan, tốt cho tiêu hóa, cải thiện giấc ngủ…

Tuy nhiên, lá mơ có mùi đặc trưng nên không phải ai cũng ăn được. Người biết ăn sẽ thấy thơm, người không biết ăn sẽ thấy thối. Đặc biệt, có một điều thú vị là lá mơ khi kết hợp cùng bột gạo lại có hương vị rất dễ ăn, thậm chí, bạn có thể bị mê ngay lần đầu thưởng thức đấy.

Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Bánh lá mơ rừng

Bánh lá mơ nắn trong lá mít, lá dừa rồi hấp lên là một trong những loại bánh dân gian đặc sắc. Mặc dù các nguyên liệu khá đơn giản nhưng đối với các bạn ở thành phố thì việc kiếm các loại lá trên để làm bánh đôi lúc lại không dễ dàng. Vì vậy, hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn món bánh lá mơ luộc theo cách của mẹ mình được mình linh hoạt thêm một tí (sẽ giúp bạn thực hiện món bánh lá mơ rừng nhanh gọn hơn).

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị: 200 g lá mơ, 500 g bột gạo, nửa chén cơm nguội, một ít cái dừa rám vỏ (đã nạo), muối và đường.
  • Đem lá mơ đi rửa sạch, vẩy nhẹ cho ráo bớt nước rồi cắt nhỏ. Sau đó, bạn cho hết phần lá mơ đã chuẩn bị cùng nửa chén cơm nguội vào máy xay sinh tố, thêm 300 ml nước lọc và ¼ muỗng cà phê muối rồi bật nút xay cho thật nhuyễn.
  • Sau đó, bạn đổ hỗn hợp trên ra thao rồi cho bột gạo vào từ từ, nhào đến khi bột ngậm đều nước (bạn lưu ý cho từ từ để tránh bột bị vón cục nhé). Nếu trong quá trình nhồi thấy bột khô thì bạn có thể cho thêm nước (cho từng ít vào để tránh bột bị nhão nhé). Bởi vì bột cũ và bột mới sẽ cần lượng nước khác nhau nên mình cũng rất khó đưa ra công thức chuẩn, bạn cứ canh đến khi bột mềm giống như bột nấu chè trôi nước là được.
  • Khi bột nhào xong, bạn để bột như thế từ 15 đến 30 phút. Sau đó, bạn chuẩn bị một cái chén, cho vào ½ muỗng cà phê muối và 2 muỗng cà phê đường, trộn đều lên.
  • Sau khi bột đã ủ xong, bạn bắt một nồi nước (bạn đổ nước vào khoản ½ nồi nhé), đun cho thật sôi rồi bạn lấy bột từng phần nhỏ, vo tròn rồi ấn dẹp xuống thành từng miếng mỏng, thả vào nồi nước đang sôi để luộc. Khi bánh nổi lên là bánh đã chín và bạn có thể vớt ra. Một lưu ý nhỏ là bạn nên cho từng đợt bánh, không nên cho liên tục vì nước không đủ sôi mà thả bánh vào luộc thì sẽ làm miếng bánh bị tan một phần và không đạt độ dai ngon.
  • Bánh chín thì bạn vớt ra, để ở rổ cho ráo nước (không ngâm nước lạnh như chè trôi nước nhé).
Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Bánh lá mơ hấp

Cách ăn: Khi ăn, bạn cho bánh vào dĩa, rải một ít muối đường đã trộn, thêm một ít dừa bào, trộn lên là có thể thưởng thức.

Hoặc bạn cũng có thể chấm với nước cốt dừa (đã thắng lên, thêm hành và gia vị).

Gợi ý: Nếu không thích ăn ngọt bạn có thể xắt bánh thành cọng, thêm một ít rau thơm, dưa leo, giá trụng, chả lụa và nước mắm pha chua ngọt (giống ăn bánh ướt). Cách ăn này cũng rất hấp dẫn đấy.

Món bánh này khi chín sẽ có màu đen, có độ dẻo và dai của bột. Hơn nữa, mùi lá mơ cũng không còn khó ăn như lá mơ sống, lại có thể ăn theo nhiều cách khác nhau. Đây thực sự là sự kết hợp lý tưởng giúp bạn ăn được nhiều lá mơ – loại lá có rất nhiều tác dụng với sức khỏe chúng ta.

Lá mơ rừng (lá mơ trơn) dùng làm bánh và làm thuốc

Lá mơ rừng

Ký ức tuổi thơ về lá mơ rừng

Ngày tôi còn nhỏ, người ta chưa dùng thuốc hóa học nhiều nên lá mơ rừng mọc nhiều lắm. Bông mơ rừng tuy nhỏ nhưng dày, màu trắng kèm một chút tím, khi nở rộ thành chùm trông cũng rất đẹp mắt. Trái của chúng thì nhỏ nhỏ nhưng tròn xoe, kết thành từng chùm, khi sống có màu xanh khi chín thì vàng rực nhìn khá là thích mắt.

Những ngày được nghỉ học mà mẹ tôi không bận việc đồng án, chị em tôi lại xách rổ đi hái lá mơ, lá mít rồi tước thêm ít lá dừa về cho mẹ làm bánh lá mơ hấp. Chúng tôi thích nhất là phụ mẹ nắn bột vào lá và gỡ bánh ra khỏi lá sau khi bánh được hấp xong. Bánh lá mơ nắn lá thì những miếng bánh sẽ mỏng và dai hơn nhưng rất tốn thời gian.

Vào những ngày hè nóng bức, thỉnh thoảng ông sẽ bảo mẹ tôi làm bánh lá mơ cho chúng tôi ăn. Ông bảo: mùa hè nóng bức như vầy, ăn lá mơ rất tốt, nên thuốc lắm. Vì vậy, những ngày hè, nếu có thời gian mẹ sẽ làm bánh lá mơ hấp, nếu bận thì mẹ cũng sẽ nhín chút thời gian làm bánh lá mơ luộc cho cả nhà ăn.

Chỉ có điều, ngày xưa mẹ tôi không dùng bột làm sẵn mà dùng gạo để làm nên cũng tốn công nhiều. Này nhé, trước hôm làm bánh, mẹ tôi phải dậy sớm một tí, lấy gạo đem ngâm cùng một chút muối. Sáng hôm sau, mẹ sẽ bảo chị em tôi ra sau nhà hái lá mơ rừng. Cơm nước buổi sáng và dọn dẹp nhà xong hết, mẹ lấy lá mơ đi rửa sạch, cắt thật nhỏ.

Gạo đã ngâm, mẹ đem vo rửa lại qua 2 đến 3 lần nước rồi trộn cùng lá mơ cắt nhỏ và tí xíu muối, thêm nước cho vừa ngập gạo rồi đem đi xay. Nhưng mà lúc đó không có cối xay bằng điện như bây giờ đâu, mẹ tôi thường xay tay bằng cối đá. Nhìn mẹ xay thì dễ nhưng mà khi tôi xin xay thử, lại không giống như mẹ, bột không chín (cách gọi dân gian chỉ bột xay ra không nhuyễn). Tôi xay thì toàn ra gạo sống (hạt gạo bể nhỏ nhưng không nhuyễn). Thế là mẹ tôi phải múc phần đó xay lại. Mẹ bảo chúng tôi chưa quen tay nên quay cối không tròn đều, làm cối trên và dười không khít nên ra gạo sống.

Xay xong, mẹ đổ hết phần bột vào một cái túi vải dày màu trắng mà mẹ gọi là cái bồng để bồng bột. Bột cho vào bồng, dùng dây cột miệng rồi dùng một tấm thớt nặng hoặc dùng phần trên của cối đá đè lên cho nước rỏ ra từ từ, chỉ giữ lại phần bột ướt để nắn (ép nước đến khi mẹ xem thử, thấy bột vừa thì mới lấy ra nắn vào lá hoặc đem luộc như cách tôi hướng dẫn ở trên).

Những chiếc bánh thơm ngon, dai và dẻo, bình dị lắm nhưng rất tốt cho sức khỏe. Đó là bao công sức và tình yêu thương mẹ dành cho chị em tôi, là những món quà bánh ngon nhất, đáng nhớ nhất và thân thương nhất trong cuộc đời tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button