Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Rate this post
Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Có lẽ trong chúng ta vẫn còn ít người biết đến hạt đậu lăng (hay còn gọi là thiết đậu, có tên khoa học là Lens culinaris) (1).

Đây là một trong những loại đậu ngon, chứa nhiều dưỡng chất cho sức khỏe và cũng dễ chế biến.

Vì vậy, nếu bạn là người có “tâm hồn ăn uống” và thích sáng tạo, thích thử món mới thì hãy thử với đậu lăng này nhé!

Vài nét về đậu lăng

Gọi là đậu lăng nhưng nó không phải là một loại đậu nhất định mà gồm nhiều loại nhỏ cùng tên, với các hình dáng, kích thước và màu sắc khác nhau. Có loại màu đỏ, có loại màu xanh, có loại màu vàng, có loại màu nâu… Có loại hình tròn, có loại hình bầu dục, có loại hơi dẹt…

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Đậu lăng

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại đậu lăng như: đậu lăng xanh, đậu lăng đỏ, đậu lăng Puy, đậu lăng vàng, đậu lăng Beluga…

Ăn đậu lăng mang lại các lợi ích gì?

Bổ sung Selen

Bạn biết đấy, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dưỡng chất, đậu lăng còn nổi trội như một thực phẩm bổ sung dưỡng chất quý, đặc biệt là Selen (2.8 µg/ 100 g đậu lăng đã nấu chín).

Được biết, Selen là khoáng chất có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Không chỉ thế, Selen cùng chất xơ có trong loại đậu này còn mang lại hiệu quả cao hơn trong phòng ngừa ung thư đại tràng (hiển nhiên, bạn phải dùng thường xuyên, mỗi lần một ít) (2).

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Đậu lăng đỏ nấu cháo gạo lứt

Giàu Ka li và Phốt pho

Các loại rau xanh, đậu hạt nói chung đều chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì hàm lượng Ka li và Phốt pho trong đậu lăng là khá cao. Trong 100 g hạt đậu lăng đã nấu chín chứa đến 369 mg Ka li, 180 mg Phốt pho – đây là hai loại khoáng chất tốt cho hệ xương khớp.

Ngoài ra, đậu lăng còn chứa nhiều loại dưỡng chất khác như chất béo, chất xơ, tinh bột, Sắt, Can xi, Ma giê, Na tri, Man gan, Kẽm, Đồng, Folate, vitamin C, B1, B2, B3, B6… (2).

Hỗ trợ chất Sắt và Folate cho người ăn chay, phụ nữ tuổi sinh sản

Bạn biết đấy, thiếu chất Sắt là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mệt mỏi (nhất là những người ăn chay sẽ dễ thiếu chất này). Trong khi đó, 100 g đậu lăng nấu chín chứa 6,51 mg chất Sắt (ở dạng non-heme iron nên rất dễ hấp thụ).

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Đậu lăng hầm bí đỏ

Mặt khác, theo nguồn tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thì đậu lăng là loại thực phẩm hỗ trợ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, giúp bổ sung Sắt và Folate cho quá trình mang bầu sau này (2).

Cách dùng và lưu ý khi dùng đậu lăng

Để việc sử dụng đậu lăng mang lại hiệu quả cao hơn, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Sơ chế: Nên ngâm đậu vào buổi chiều, để qua đêm rồi rửa sạch với nước trước khi nấu (nếu còn vỏ thì chà xát để tách bỏ vỏ).
  • Chế biến: Bạn có thể nấu cháo, hầm với bí đỏ, nấu súp,…(lưu ý nấu cho đậu chín hoàn toàn để giảm bớt các chất phản dinh dưỡng).
  • Bảo quản: Sau khi nấu, bạn có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong vòng 3 ngày nhưng tốt nhất vẫn là nấu lượng vừa phải để ăn hết trong ngày (3).
  • Đối tượng cần tránh: Người bị bệnh thận (thận yếu) không nên dùng (5).
Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của đậu lăng

Đậu lăng xanh

Cách nấu súp đậu lăng xanh

Nếu nấu súp thì bạn nên dùng đậu lăng xanh vì màu sắc món súp sau khi nấu lên sẽ ít gây ngán so với các màu khác.

Trước khi nấu, bạn cần chuẩn bị 1 chén hạt đậu lăng xanh, 3 trái cà chua chín và một ít muối, dầu mè, tỏi, củ hành tây, tinh bột nghệ.

Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ngâm đậu khoảng nửa ngày cho nở, đãi sạch vỏ (nếu còn vỏ) rồi rửa lại và để ráo nước.
  • Bước 2: Cho đậu vào nồi, nấu với 3 chén nước cho sôi thì giảm lửa cho chín mềm từ từ.
  • Bước 3: Lấy cà chua trụng nước sôi rồi để nguội, bóc bỏ vỏ và xắt nhỏ phần thịt quả ra.
  • Bước 4: Lấy 1 cái chảo, cho dầu vào rồi cho tỏi với củ hành tây (thái nhỏ vào), phi lên cho thơm. Sau đó, cho cà chua và một ít tinh bột nghệ vào, đảo đều, đợi nồi đậu chín mềm thì đổ vào chung.
  • Bước 5: Nấu bằng lửa vừa thêm 5 phút thì tắt bếp (nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn).

Vậy là bạn đã có nồi súp thơm ngon, giàu dinh dưỡng từ loại đậu này rồi! (4).

Kim Lụa

Nguồn tham khảo
  1. Thiết đậu, https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BA%BFt_%C4%91%E1%BA%ADu, ngày truy cập: 30/ 07/ 2021.
  2. 4 tác dụng của đậu lăng: Mẹ bầu nên ăn thường xuyên, https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/tac-dung-cua-dau-lang/, ngày truy cập: 30/ 07/ 2021.
  3. Đậu lăng: Dinh dưỡng, lợi ích và cách nấu, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/dau-lang-dinh-duong-loi-ich-va-cach-nau/, ngày truy cập: 30/ 07/ 2021.
  4. Cách chế biến đậu lăng xanh cho bé ăn dặm, https://phunusuckhoe.vn/cach-che-bien-dau-lang-xanh-cho-be-an-dam-c5a315547.html, ngày truy cập: 30/ 07/ 2021.
  5. Người bị thận yếu nên ăn gì và kiêng ăn gì để thận khỏe cường tráng, https://tamminhduong.com/benh-than/than-yeu-nen-an-gi.html, ngày truy cập: 30/ 07/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button