Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng mật ong và chanh

Rate this post
Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng mật ong và chanh

Chảy máu cam là một trong những tình trạng “xuất huyết” thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Trước đây, lúc tôi còn học tiểu học, thằng bạn cùng bàn của tôi thỉnh thoảng lại bị chảy máu cam. Lúc ấy, cả lớp chỉ biết kêu nó nằm ngửa ra, ngước mũi lên trời cho máu hết chảy (nếu thấy nặng hơn thì một đứa nào đó sẽ chở nó về và nó thường xuyên nghỉ học vì những lần như vậy).

Sau đó, gia đình nó đã đưa đi điều trị và hiện tại thì tôi không còn nghe nó nhắc về chứng bệnh này nữa.

Và không chỉ bạn tôi mà tôi cũng từng bị chảy máu cam (nhưng nhẹ hơn). Thật ra, từ lâu, ông bà ta cũng đã có nhiều bài thuốc giúp cầm máu khi bị chảy máu cam (như dùng rau om). Ngoài ra, còn có phương pháp điều trị dứt điểm chứng chảy máu cam bằng mật ong và quả cam (hoặc chanh).

Về chứng chảy máu cam

Chảy máu cam là tình trạng lỗ mũi bị chảy máu một cách đột ngột (1).

Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng mật ong và chanh

Chảy máu cam ở trẻ em

Được biết, có 2 loại chảy máu cam là:

  • Chảy máu mũi trước: là chảy máu từ vách ngăn lỗ mũi (do lớp niêm mạc mũi bị khô làm cho vách ngăn nứt và chảy máu). Dạng này thường chảy ở 1 bên mũi và máu chảy rỉ rả nhưng không nhiều, sau khi sơ cứu thì máu sẽ ngừng chảy. Dạng này là dạng phổ biến, chiếm đến 90 % trường hợp chảy máu cam.
  • Chảy máu mũi sau: là chảy máu do các vấn đề về mạch máu và bên trong mũi, máu chảy ở cả 2 lỗ mũi và chảy ngược ra sau, tức chảy xuống cuống họng. Vì vậy, dạng này nguy hiểm hơn, thường gặp ở những người cao huyết áp, người cao tuổi hoặc bị chấn thương vùng mũi.. và cần sơ cứu nhanh bằng cách nhét bấc mũi rồi đưa đến bệnh viện ngay (1).

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam thì có rất nhiều như: không khí khô, nóng; tổn thương vùng mũi, dùng aspirin quá liều, nhảy mũi quá mạnh, máu loãng, khối u, rối loạn đông máu… (1). Ngoài ra, về đối tượng thì hiện tượng chảy máu cam thường xảy ra ở trẻ em và bà bầu (2).

Kinh nghiệm cầm máu khi bị chảy máu cam

Thật ra, tôi cũng không biết vì sao hồi đó mình lại bị chảy máu cam. Chỉ nhớ rằng khi thấy máu chảy bất thường thì tôi hoảng lên, khóc um sùm (cũng may hôm ấy không đi học!).

Thế là mẹ tôi nghe thấy và sơ cứu cho tôi. Bà hái một đọt rau om (rau ngò om), đem đi rửa sạch rồi vò vò cho nát và nhét vào lỗ mũi tôi (tôi bị chảy 1 bên mũi). Sau đó, mẹ kêu tôi ngồi thẳng (mũi hơi ngước lên trời) và vỗ vào trán nhẹ nhàng vài cái.

Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng mật ong và chanh

Ngò om tía

Được biết, theo kinh nghiệm dân gian thì rau om giúp hạ nhiệt vùng mũi và cầm máu mũi.

Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng thảo dược

Ngoài cách cầm máu tạm thời như vừa kể trên thì dân gian còn có bài thuốc điều trị dứt điểm chứng chảy máu cam.

Bài thuốc này trước đây tôi cũng đã uống liên tục 15 ngày (vì tôi hay bị chảy máu cam, không nặng nhưng tái lại hoài). Hiện giờ, tôi không còn bị chảy máu cam nữa.

Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị một quả cam (hoặc chanh) và mật ong.
  • Bước 2: Pha 3 muỗng mật ong cùng một ít nước ấm (đã nấu sôi và để nguội, còn khoảng 35 độ C), sau đó vắt một quả cam (hoặc chanh: quả lớn thì dùng ¼ quả, quả nhỏ thì dùng ½ quả) rồi hòa cùng mật ong đã pha, thêm một ít nước ấm tùy ý để uống.
Điều trị dứt điểm chảy máu cam bằng mật ong và chanh

Quả chanh

Số lần uống: Mỗi ngày, bạn uống 1 lần vào buổi sáng (trước hoặc sau bữa cơm đều được), kiên trì uống trong vòng 15 ngày là sẽ không còn bị chảy máu cam nữa.

Bài thuốc này như một loại nước uống giải khát, có hương thơm và vị chua ngọt nên rất hợp với vị giác của trẻ con (đối tượng dễ bị chảy máu cam).

Bên cạnh đó, loại thức uống này còn có công dụng giảm cân (nếu bạn uống trước bữa ăn sáng), giúp tăng sức đề kháng và đào thải những độc tố trong cơ thể ra ngoài.

Lưu ý:

Chỉ uống một lần vào buổi sáng, uống liên tục 15 ngày rồi ngưng.

Như vậy, khi bị chảy máu cam, bạn có thể sơ cứu bằng rau om như trên kết hợp với uống nước cam – mật ong mỗi ngày để không bị tái phát. Tuy nhiên, sau khi đã sơ cứu, nếu mũi vẫn còn chảy máu nhiều, nghiêm trọng hơn hoặc có các biểu hiện nóng sốt, máu tràn ngược xuống họng, chảy máu ở cả hai lỗ mũi… thì bạn nên đến bệnh viện ngay nhé!

Lê Nhi

Nguồn tham khảo
  1. Vì sao bạn bị chảy máu cam?, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/vi-sao-ban-bi-chay-mau-cam/, ngày truy cập: 10/ 11/ 2021.
  2. Chảy máu mũi (chảy máu cam), https://hellobacsi.com/benh-tai-mui-hong/benh-ve-mui/chay-mau-mui/, ngày truy cập: 10/ 11/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button