Chuối sáp có công dụng gì?

Rate this post
Chuối sáp có công dụng gì?

Đa phần các loại chuối đều được ăn sống hoặc để chín rồi ăn trực tiếp, tuy nhiên, có một loại chuối mà bạn phải nấu lên mới ngon, đó là chuối sáp. Sau khi nấu chín, nó sẽ dẻo và ngọt hơn rất nhiều.

Đúng như tên gọi, phần thịt quả chuối này khi nấu chín thì vàng và dẻo như sáp vậy. Chuối sáp có hai loại là chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ, người ta phân biệt hai loại chuối này qua màu sắc của quả chuối sau khi chín. Chuối sáp trắng thì khi chín, phần thịt quả vẫn có màu trắng như các loại chuối bình thường khác. Riêng chuối sáp nghệ thì vàng đẹp và ngọt (do bên trong lõi chuối sau khi chín có mật). Vì vậy, chuối sáp nghệ được mọi người ưa chuộng hơn.

Chuối sáp khi bắt đầu già thì hầu như đều bị rầy, mò đeo xung quanh buồng chuối, khiến quả chuối bị đen hoặc đốm trắng ngoài da (nhưng theo kinh nghiệm của người sành ăn thì những buồng quả này mới dẻo và ngọt đậm).

Kích thước của một quả chuối sáp thường không to nhưng thành phần dinh dưỡng trong chúng thì lại không hề nhỏ.

Chuối sáp có công dụng gì?

Chuối sáp nấu chín

Chuối sáp giúp cải thiện tình trạng thiếu máu

Bản thân tôi là một người có tiền sử tuột huyết áp. Mỗi lần gặp bác sĩ thăm khám, chỉ số huyết áp của tôi luôn thấp và bác sĩ luôn phải kê thêm thuốc bổ máu cho tôi (vì tôi bị thiếu máu). Tôi đã thử tìm hiểu về bệnh thiếu máu của mình nhằm tìm ra nguyên nhân căn bệnh, từ đó khắc phục nó.

Sau khi tìm hiểu, tôi được biết thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu và huyết sắc tố làm cho lượng oxy cung cấp đến các mô tế bào không đủ. Biểu hiện thiếu máu ở cơ thể tôi là tình trạng hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn kinh nguyệt và rụng tóc. Căn bệnh này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân do các bệnh lý như ung thư, bệnh thận, tan máu bẩm sinh do tính di truyền,… thì nguyên nhân phổ biến nhất là do không bổ sung đủ sắt và các vitamin cần thiết cho cơ thể (cụ thể là vitamin B12 và folate). Vì vậy nếu bạn đang bị tình trạng thiếu máu nhưng không mắc phải các bệnh lý hay yếu tố di truyền thì hãy chú ý bổ sung sắt từ các loại thực phẩm bạn ăn hằng ngày nhé.

Và nếu bạn đang cần tìm những nguồn thực phẩm giàu sắt như mình thì chuối sáp chính là một gợi ý mình dành cho bạn đấy. Chuối sáp chứa lượng chất sắt khá cao.

Bên cạnh đó chuối sáp cũng chứa một lượng kali cao nên chuối sáp rất tốt cho việc lưu thông huyết áp, giúp cải thiện tình trạng chuột rút.

Những lý giải trên cũng cho thấy rằng các bà mẹ đang trong thời kỳ mang thai và sau sinh, nếu ăn chuối sáp bổ sung cũng rất tốt (vì nó có thể giúp mẹ bầu giảm tình trạng chuột rút về đêm, bổ sung máu, từ đó kích thích sữa mẹ một cách tốt nhất).

Chuối sáp có công dụng gì?

Nải chuối sáp chín

Chuối sáp giúp giảm cân, giữ dáng

Có lẽ bạn cũng biết, chuối là loại quả thường có trong thực đơn của các bạn yêu thích tập gym. Loại quả này chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp hỗ trợ tăng cường cơ bắp như vitamin B6, Mangan, Kali.

Vả lại, chuối sáp quả không quá to nên việc dùng 1 đến 2 quả chuối sáp trước khi luyện tập ở các bạn gymer hay trước bữa ăn chính tầm 30 phút mỗi ngày sẽ giúp quá trình giảm cân của bạn diễn ra tốt hơn.

Nhìn chung, bạn chỉ cần cân bằng chuối sáp với các khẩu phần ăn khác thì sẽ giúp việc giảm cân của bạn hiệu quả và dễ dàng hơn.

Như đã nói ở nhiều bài viết khác về tác dụng giảm cân khi dùng các loại quả. Bạn chỉ nên dùng lượng vừa phải bởi để giảm cân tổng lượng calo nạp vào phải thấp hơn lượng calo bạn đã tiêu hao. Vì vậy, bạn phải tính toán để lựa chọn loại thực phẩm phù hợp và cân đối lượng thức ăn nạp vào (vì dù lượng calo của chuối là thấp nhưng nếu bạn ăn quá nhiều thì vẫn sẽ gây tăng cân).

Chuối sáp tốt cho hệ thần kinh, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa

Như đã nói ở trên, trong chuối sáp có chứa một lượng vitamin B6 tương đối dồi dào, loạivitamin này có khả năng giúp làm ổn định chức năng của các tế bào thần kinh nên rất tốt cho hệ thần kinh của bạn cũng như có thể làm giảm tình trạng mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc của bạn.

Không những vậy, chuối sáp còn có chứa vitamin C và chúng ta đã quá rõ ràng về tác dụng của nhóm vitamin này đối với hệ miễn dịch.

Chuối sáp có công dụng gì?

Cách dùng

Cũng như các loại chuối khác, chuối sáp có thể để chín thật mùi rồi dùng trực tiếp nhưng như thế sẽ không ngon. Để tăng độ dẻo ngọt của chuối, người ta thường đem chuối sáp nấu chín trước khi ăn.

Có rất nhiều cách chế biến chuối sáp, đơn giản nhất là đem chuối sáp vừa chín tới đi luộc hoặc hấp. Nếu có thời gian, bạn có thể nướng chuối sáp với than cũng rất thơm ngon.

Ngoài ra bạn cũng có thể thêm nước cốt dừa và một ít bột báng để chế biến thành món chè chuối béo ngậy thơm lừng. Đây là những cách chế biến phổ biến nhất. Ngoài ra còn một cách nữa để chế biến chuối sáp thành một món ăn ngọt ngon không kém đó là món chuối sáp rim đường thốt nốt.

Món này có lẽ không quá xa lạ với mọi người nhưng phiên bản phổ biến nhất là được làm từ chuối xiêm (chuối sứ). Tuy nhiên, nếu nhà có sẵn chuối sáp như mình bạn có thể thay bằng chuối sáp.

Đường dùng ngào chuối có thể dùng đường cát, đường phèn đều được nhưng mình thích dùng đường thốt nốt hơn vì dùng đường thốt nốt thì thành phẩm cho ra sẽ có vị béo, thơm đặc biệt của đường thốt nốt, kết hợp với chuối dẻo bùi nữa thì đúng là hấp dẫn khó cưỡng.

Chuối sáp có công dụng gì?

Chuối sáp rim đường thốt nốt

Cách làm chuối sáp rim đường thốt nốt

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món này rất đơn giản, bao gồm: 1 ký chuối sáp đã chín vàng, 200 g đường thốt nốt, ¼ quả chanh, một xíu muối và mè (vừng).

Bắt tay vào làm nhé:

Bước 1: Đầu tiên là sơ chế chuối. Có 2 cách. Một là bạn để chuối cả vỏ, đem rửa sạch rồi luộc chín, sau đó mới bóc vỏ. Với cách làm này, chuối sẽ dẻo và dễ ngào, thích hợp cho những bạn làm thử món này lần đầu (nhưng chuối đã luộc rồi mới đem ngào sẽ không ngấm đường tốt).

Hai là bạn không cần luộc mà trực tiếp bóc vỏ rồi đem đi ngào. Cách làm này sẽ giúp chuối ngấm đường tốt nhưng trong quá trình ngào, quả chuối sẽ mềm, vì vậy, bạn cần phải nhẹ tay và khéo léo để tránh làm chuối bị nát. Cái này tùy bạn cân nhắc chọn lựa nhé.

Bước 2 (cụ thể): Chuối sau khi sơ chế xong, bạn để qua một bên. Sau đó, bạn chuẩn bị một cái chảo hơi to một tí (để khi ngào chuối sẽ ngấm đường đều hơn), sau đó cho hết 200gr đường, ¼ muỗng cà phê muối vào rồi cho thêm ít nước (lượng nước vừa ngập đường là được). Lúc này, bạn bật lửa vừa, nấu cho hỗn hợp nước đường kia tan hết và sôi lên. Để hỗn hợp nước đường sôi khoảng 3 phút thì bạn cho hết phần chuối đã sơ chế rồi vào, trộn đều rồi chờ cho sôi lại thì hạ lửa xuống ở mức nhỏ nhất.

Bạn sên từ từ, trong quá trình sên, thỉnh thoảng bạn đảo nhẹ nhàng phần chuối để cho ngấm đều đường.

Khi nước đường trong chảo bắt đầu sánh lại thì bạn cho nước cốt của ¼ quả chanh đã chuẩn bị vào (để tránh lại đường – nghĩa là tránh đường bị đóng cát trở lại) rồi tiếp tục sên thêm khoảng 5 đến 10 phút cho đến khi thấy nước đường sánh thơm và bắt đầu chuyển sang màu đỏ nhạt thì tắt bếp.

Bạn đợi chuối nguội rồi xếp ra đĩa, rải thêm một ít mè là có thể thưởng thức.

Lưu ý khi dùng

Chuối sáp dùng để chế biến món ăn là chuối sáp vừa chín. Không chọn chuối còn sống vì sau khi chế biến sẽ rất cứng và không ngọt. Không dùng chuối đã chín mùi vì sau khi chế biến, chuối sẽ bị nhão, khiến bạn nhanh bị ngán.

Bạn không nên dùng quá nhiều chuối sáp, tốt nhất bạn chỉ nên dùng tối đa 3 quả một ngày vì nếu bạn dùng quá nhiều có thể dẫn đến phản tác dụng, khiến cơ thể dư lượng vitamin B6, gây ra tình trạng đau đầu, chóng mặt hoặc làm gia tăng tình trạng chuột rút vào ban đêm.

Nguyễn Sen

Xem thêm: Vỏ chuối có tác dụng gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button