Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Rate this post
Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Bạn đã nghe qua cam đường dại – loại quả nổi tiếng của huyện đảo Lý Sơn chưa?

Huyện đảo Lý Sơn là một trong những địa điểm nổi tiếng ở nước ta bởi những chiến tích lịch sử oai hùng và những địa điểm du lịch hấp dẫn như cổng Tò Vò, Hang Câu, Chùa Đục, những ruộng tỏi bao la,…

Không những vậy, Đảo Bé Lý Sơn còn giữ cho mình nét đẹp hoang sơ với biển xanh, cát trắng, là một địa điểm lý tưởng nếu bạn thích trải nghiệm cắm trại, đốt lửa bên bờ biển và ngắm bình minh lên.

Đến Lý Sơn, bạn không chỉ được thưởng thức những loại hải sản tươi ngon, những món đặc sản nổi tiếng như gỏi rong biển, gỏi tỏi, gói sứa… mà  bạn còn có thể có cơ hội để trải nghiệm loại trái cây dại vừa bổ vừa ngon. Đặc biệt, một số loại trái cây còn được xem là quý hiếm vì nó được đưa vào Sách đỏ của IUCN.

Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Cam đường dại

Vâng, cam đường dại (hay còn gọi bằng tên khác là đa tử biển hoặc cầm đàng). Quả thật, khi tìm hiểu về đảo Lý Sơn và được biết về loài cây này, mình đã rất ấn tượng. Mình đã tự hỏi, vốn chỉ là một loài quả dại, lại có thể thích ứng được ở nơi cát đá khô cằn thì chúng cũng rất dễ trồng, vậy thì điều gì đã giúp loại cây này được đánh giá là loài cây quý? Phải chăng ngoài công dụng là một loại quả dại ăn được thì nó còn có những giá trị về sức khỏe khác mà thiên nhiên đã ưu ái cho người dân sống nơi hải đảo xa xôi?

Mình đã thử tìm hiểu và được biết, ở Đảo Bé Lý Sơn, cam đường dại mọc thành những bụi to và cho quả rất nhiều. Loại quả này khi sống có màu xanh, vị thì chua và mặn. Lúc quả chín vỏ vẫn dày, ruột nhỏ, hạt nhiều, vị chua ngọt nhưng vẫn ngon hơn các loại quả dại khác và thơm hơn các loại cam thông thường. Đây cũng là loại rau quả, là vị thuốc thay thế khi mưa bão về, tàu không chạy được.

Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Vườn cam đường dại

Công dụng trị ho của quả cam đường dại

Dùng cam, chanh hay tắc trị ho có lẽ là một phương pháp phổ biến vì các nguyên liệu này khá dễ tìm và cách thực hiện cũng dễ. Có lẽ bạn đã từng một lần dùng nước chanh mật ong để làm dịu cổ họng (do những cơn ho). Tuy nhiên, với người dân huyện đảo Lý Sơn thì họ thường dùng quả cam đường dại để thay thế.

Được biết, lớp vỏ của quả cam đường dại khá dày. Điều này tưởng chừng là nhược điểm của loại quả này nhưng về mặt y học thì nó lại mang đến hiệu quả trị họ tốt hơn (vì chứa nhiều tinh dầu hơn).

Cách thực hiện: lấy 2 đến 3 quả cam đường dại, chọn quả chín, đem đi rửa sạch rồi dùng dao thật bén, cắt thành lát mỏng, bỏ đi hạt rồi cho vào 1 cái chén bằng sành sứ hoặc thủy tinh chịu nhiệt. Tiếp theo, bạn cho mật ong nguyên chất vào, lấy thêm cái dĩa nhỏ đậy chén lại, sau đó đem hấp hoặc chưng cách thủy từ 10 đến 15 phút (kể từ lúc nước sôi).

Sau khi hấp xong, bạn đem ra, đợi nguội bớt, chỉ còn ấm ấm thì múc mỗi lần 1 ít, múc cả nước lẫn cái, ngậm trong miệng rồi nuốt từ từ. Với phần xác của quả, bạn chia thành nhiều lần ngậm và ngậm hết trong ngày, không nên để qua đêm nhé.

Lá cam đường dại giúp giải cảm và xua đuổi côn trùng

Vì thuộc họ cam quýt nên cam đường dại cũng có các tác dụng tương tự cam quýt (nhưng tác dụng mạnh hơn). Cụ thể, theo một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thương (trường Đại học Dược Hà Nội (2012)) về đặc điểm thực vật và thành phần hóa học của cây Đa tử biển ở Ninh Thuận thì cây này có tác dụng vượt trội hơn các cây khác cùng họ (do hàm lượng tinh dầu trong lá đa tử biển cao hơn).

Vì thế, trong hoàn cảnh không có các loại dược liệu phong phú như trên đất liền, người dân ở đảo Lý Sơn đã tận dụng lá của cây cam đường dại để nấu nồi xông giải cảm.

Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Cam đường dại – dược liệu quý vùng biển đảo

Ngoài ra, những buổi đêm, sau một ngày làm việc, đánh bắt mệt mỏi, người dân nơi đây còn thích đem một ít hải sản ra ngoài bờ biển, đốt lửa nướng rồi nhâm nhi chút rượu. Trong không gian đó, để tránh những con côn trùng như muỗi, rầy… làm phiền thì bạn có thể hái lá cam đường dại, bỏ vào đống lửa đang đốt (như thế sẽ giúp xua đuổi côn trùng). Bên cạnh đó, mùi thơm từ lá cây này khi đốt cũng sẽ khiến bạn thư giãn hơn.

Cam đường dại giúp trị ghẻ, làm đẹp da và cải thiện sức đề kháng

Theo kinh nghiệm của người dân thì để trị ghẻ, bạn có thể dùng rễ và lá của cây cam đường dại, đun sôi cùng với nước rồi lọc lấy nước, pha cùng nước sạch cho ấm ấm rồi tắm.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thương cũng cho thấy trong cam đường dại có Scopoletin. Chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và tăng cường đề kháng. (1).

Nguyễn Sen

Xem thêm: Trái cam kỵ gì? 

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button